Thiệt hại về tinh thần xác định như thế nào?

Thứ tư, 22/11/2023 16:07
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nông Thị Minh Thu (tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi: Mỗi phán quyết, quyết định của tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là tính mạng con người, có thể gây ra một số thiệt hại về vật chất và tinh thần. Về lý thuyết, không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai. Tôi muốn biết thiệt hại về tinh thần được xác định như thế nào trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?

Trả lời:

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại Thành phố Hà Nội) cho biết, bồi thường Nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Từ năm 2009, khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.

Thiệt hại về tinh thần (tổn thất về tinh thần) được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh, bị hiểu nhầm…

Không như thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là khác nhau.

Bồi thường tổn thất về tinh thần là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Thông thường là khoản tiền mà người bị xâm phạm hoặc người thân thích của người bị xâm phạm được hưởng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bích Phượng/hotrothutuc.com) 

Luật gia Phương cho biết, nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 (Luật TNBTCNN năm 2017).

Luật mới đã khắc phục những hạn chế còn tồn tại của Luật năm 2009, xác định rõ hơn nữa trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại..., góp phần nâng cao vai trò của các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại.

Cụ thể, Điều 27 Chương III Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thiệt hại về tinh thần theo hướng: bổ sung các trường hợp được bồi thường thiệt hại về tinh thần tương ứng với một số trường hợp mới được bổ sung vào phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong một số lĩnh vực hoạt động; nâng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự và bổ sung quy định cách tính “lương cơ sở” làm căn cứ xác định thiệt hại về tinh thần.

Theo đó, (1) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được xác định là 0,5 ngày lương theo mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (sau đây gọi là ngày lương cơ sở) cho 01 ngày bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.

(2) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(3) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định như sau:

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 02 ngày lương cơ sở;

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại là người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt không phải là hình phạt tù được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày không bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt, trừ trường hợp thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù cho hưởng án treo;

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo được xác định là 03 ngày lương cơ sở cho 01 ngày chấp hành hình phạt;

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại đã chấp hành xong hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án mà sau đó mới có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày chưa có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

(4) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì không áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này.

(5) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khỏe bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở.

(6) Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật được xác định là 01 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị buộc thôi việc trái pháp luật.

(7) Ngày lương cơ sở được xác định là 01 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày.

“Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng thời gian vừa qua, tuy nhiên, những cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Tòa án Nhân dân các cấp trên cả nước cần tiếp tục thường xuyên quán triệt nghiêm túc yêu cầu là không được để xảy ra sai bởi đối tượng xét xử là con người; phải góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tạo môi trường xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và bảo vệ chế độ”, luật gia Phương nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực