|
Ảnh minh họa. |
Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trường hợp diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhiều người gọi là sổ đỏ) thì sẽ được xem xét cấp sổ đỏ với phần diện tích tăng thêm.
Căn cứ vào khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013) về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định như sau:
Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này hoặc giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của luật này.
Như vậy, tùy trường hợp khi đo lại diện tích đất mà ranh giới thửa đất có thay đổi hay không hoặc có tranh chấp hay không mà việc thay đổi thông tin trên sổ đỏ có cách xử lý khác nhau. Bên cạnh đó, khi người dân phát hiện diện tích thực tế khác so với sổ đỏ thì có quyền đề nghị cấp đổi sổ đỏ.
Theo điểm C, khoản 1, Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP,ngày 15/5/2014, khi đo đạc xác định lại diện tích thì được cấp đổi sổ đỏ theo thủ tục dưới đây:
Chuẩn bị hồ sơ: Đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ; bản gốc sổ đỏ đã cấp.
Nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc Bộ phận một cửa với nơi đã tổ chức Bộ phận một cửa.
Nơi chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu có nhu cầu.
Tiếp nhận hồ sơ: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
Trả kết quả: Không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 17 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời hạn trả kết quả không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã./.