Thủ tướng quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi nào?

Thứ tư, 27/07/2022 22:54
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Đức Chính, sống tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỏi: Nguyên tắc xác định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp và trường hợp nào được thì giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BNV liên quan tới Nghị định quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND...

 Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao Quyết định 877/ĐQ-TTg ngày 12/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Ảnh minh họa, nguồn: Phúc Lưu)

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND giữa 2 kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp huyện báo cáo Sở Nội vụ để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện.

Nguyên tắc xác định số lượng Phó Chủ tịch UBND

Số lượng Phó Chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số: 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015), Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thì Phó Chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng Phó Chủ tịch UBND quy định tại Nghị định này.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng thêm Phó Chủ tịch UBND các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ, nhưng bảo đảm số lượng Phó Chủ tịch UBND tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều động không quá một người.

Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy viên phụ trách quân sự và Ủy viên phụ trách công an ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Số lượng và các chức danh cụ thể của Ủy viên UBND là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Ủy viên UBND cấp xã gồm Ủy viên phụ trách quân sự và Ủy viên phụ trách công an ở cấp xã.

Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; xã loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Nguyên tắc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND

Việc bầu thành viên UBND bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng Nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định.

Trường hợp Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND được HĐND bầu chức danh mới nhưng vẫn thuộc thành viên UBND cùng đơn vị hành chính đó thì không thực hiện thủ tục miễn nhiệm chức danh cũ trước khi bầu chức danh mới. Khi được bầu vào chức danh mới thì đương nhiên thôi thực hiện nhiệm vụ của chức danh cũ.

Việc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này và quy định của cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ.

Kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này xem xét, phê chuẩn.

Thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm

Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Sở Nội vụ giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện.

Phòng Nội vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện.

Chủ tịch UBND cấp huyện phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã và giao quyền Chủ tịch UBND cấp xã.

Có thể xin từ chức vì lý do sức khoẻ

Thành viên UBND nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể từ chức. Khi đó, đơn từ chức của Chủ tịch UBND được gửi đến Chủ tịch HĐND cùng cấp; đơn từ chức của Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND được gửi đến Chủ tịch UBND cùng cấp.

“Chủ tịch HĐND trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Chủ tịch UBND có đơn từ chức, Chủ tịch UBND trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND có đơn từ chức tại kỳ họp HĐND gần nhất”, Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp không được HĐND miễn nhiệm thì thành viên đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, HĐND sẽ tiến hành miễn nhiệm thành viên UBND trong 4 trường hợp: Có đơn từ chức; được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác mà không thuộc diện điều động theo quy định; được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí, thôi việc; và không được tín nhiệm theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị định cũng quy định, HĐND bãi nhiệm thành viên UBND trong trường hợp bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà chưa đến mức kỷ luật cách chức nhưng cần phải bãi nhiệm.

HĐND miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND; miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND theo đề nghị của Chủ tịch UBND. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do HĐND cùng cấp quyết định.

Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành. Sau đó, HĐND sẽ ban hành Nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Điều động, cách chức khi nào?

Do yêu cầu nhiệm vụ và trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã theo đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ.

Trong trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch UBND quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ…

“Thủ tướng Chính phủ khi quyết định cách chức Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện khi quyết định cách chức Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thì đồng thời quyết định giao quyền Chủ tịch”, Nghị định nêu rõ.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND giữa 2 kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp huyện báo cáo Sở Nội vụ để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện.

Cũng theo Nghị định, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày quyết định điều động, cách chức có hiệu lực và không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm.

“Quyền Chủ tịch UBND chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày HĐND bầu ra Chủ tịch UBND”, Nghị định nêu rõ./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực