Tiêm vaccine phòng COVID-19 có chắc chắn miễn nhiễm COVID-19?

Chủ nhật, 20/06/2021 16:12
(ĐCSVN) - Bạn Thùy Dung, địa chỉ tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hỏi: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh và mạnh, việc tiêm phòng vaccine có chắc chắn miễn nhiễm COVID-19?

Trả lời:

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, hiện nay không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.

Hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa COVID-19. (Ảnh ND)

Cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine COVID-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Nghĩa là khi tiêm vào cơ thể sinh ra kháng thể có thể chống lại virus. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% - 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus SARS-CoV-2, các loại vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong.

Vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

Ngoài việc giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh, vaccine COVID-19 còn có tác dụng là nếu vẫn mắc COVID-19 sau khi tiêm thì bệnh cảnh lâm sàng cũng nhẹ đi, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề, từ đó, làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế.

Chuyên gia này nhấn mạnh, vaccine COVID -19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. 

Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa COVID-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực