Trường hợp nào huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

Thứ hai, 24/01/2022 22:28
(ĐCSVN) – Bạn Lê Hữu Đức, địa chỉ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai hỏi: Trường hợp nào người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) tự mình hoặc theo yêu cầu của người khác phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định?
(Ảnh minh họa: Nguồn: tapchitaichinh.vn). 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, có nêu cụ thể một số nội dung liên quan đến các hình thức xử lý vi phạm hành chính của các chủ thể liên quan. Một trong số nội dung đáng lưu ý là việc hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền đối với người vi phạm (điều 13, chương III, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:

 Điều 13. Hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính

 1. Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Không đúng đối tượng vi phạm;

 b) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;

 c) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;

 d) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

 đ) Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

 e) Trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

 g) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

 h) Trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 2. Những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định có sai sót, nếu người đã ban hành quyết định không hủy bỏ quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

 Trong trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc pháp luật có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới để tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực