Về việc tách hộ khẩu sau ly hôn
Chủ nhật, 20/06/2021 16:19 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Bạn Hải Vân, địa chỉ tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương hỏi: Tôi lấy chồng nhập khẩu về Quảng Ninh, trường hợp tôi với chồng đã ly hôn, tôi muốn tách hộ khẩu, vậy thủ tục tách hộ khẩu được thực hiện như thế nào và có cần chồng đồng ý không?
Trả lời:
Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 28 Luật Cư trú (Luật số: 68/2020/QH14, ngày 13/11/20020) thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Sau khi nộp hồ sơ tách hộ theo quy định đến cơ quan đăng ký cư trú, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
|
Tách hộ khẩu sau ly hôn không cần người vợ hoặc chồng là chủ hộkhẩu đồng ý. ( Ảnh ND) |
Luật Cư trú 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, với nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định mới về việc tách hộ khẩu sau ly hôn.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú 2020 quy định:
1. Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.
Theo quy định của Luật Cư trú hiện hành thì người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại Khoản 3 Điều 25 và Khoản 2 Điều 26 Luật Cư trú 2007 mà muốn tách hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản. Điều này đã dẫn đến trong thực tế sau khi ly hôn, không ít gia đình nhà chồng hoặc người chồng đã lợi dụng quy định này, không ký đồng ý cho tách hộ để cố tình gây khó dễ cho người vợ. Việc không tách được hộ khẩu đã gây hệlụy cho không ít người vợ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cần sử dụng đến sổ hộ khẩu.
Mặc dù, trong Thông tư 35/2014/TT-BCA, ngày 09/9/2014 của Bô Công an đã quy định người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, việc này vẫn xảy ra, và cũng rất ít trường hợp bị xử lý.
Khắc phục bất cập này, Luật Cư trú 2020 đã quy định điều kiện để được tách hộ khẩu trong trường hợp sau ly hôn thuận lợi hơn, không cần người vợ hoặc chồng là chủ hộkhẩu đồng ý, người vợ hoặc chồng vẫn có thể tách hộ khẩu riêng./.
Ban Bạn đọc - Công tác viên
- Tài khoản mạng xã hội bị khóa vĩnh viễn khi nào?
- Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống hành vi tham nhũng, tiêu cực
- Hành vi tái phạm hủy hoại đất?
- Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công
- Thủ tục công nhận, truy tặng liệt sĩ?
- Phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công