Ô tô bị ngập nước tại một chung cư ở Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: QĐ)
Trả lời:
Thời gian qua, tình trạng nước mưa tràn vào gây hư hỏng phương tiện gửi tại hầm các chung cư diễn ra ở khá nhiều nơi. Việc xác định trách nhiệm bồi thường cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đang – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những tình huống như trên, trước hết cần xác định giữa chủ sở hữu của các tài sản (ô tô, xe máy)... có quan hệ gửi, giữ xe với chủ đầu tư hay Ban quản lý tòa nhà hoặc nơi trông giữ hay với tổ chức, cá nhân nào khác không?
Việc xác định căn cứ vào việc cư dân chung cư đã đóng phí gửi, giữ xe cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì lúc này giữa các bên đã xác lập hợp đồng gửi, giữ tài sản theo Điều 559 Bộ luật Dân sự, kể cả có là ký kết hợp đồng có quy định cụ thể điều, khoản giữa các bên, hay hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm giữa các bên nhận trông, gửi và thậm chí hợp đồng được các bên giao dịch bằng miệng.
Luật sư Nguyễn Văn Đang cũng lưu ý đối với trường hợp người mua, người thuê căn hộ, mua hoặc thuê mua chỗ để xe thì chỗ để xe thuộc quyền sở hữu của họ. Do vậy, khi trời mưa nước ngập hầm xe thì trách nhiệm thuộc về những người này, còn đối với những người mua bảo hiểm xe thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Trường hợp người mua, người thuê chỉ mua, thuê căn hộ mà không mua hoặc không thuê mua chỗ để xe, thì chỗ để ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và khi nước ngập chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm.
Đối với các chung cư nhận giữ xe thu tiền của khách hàng, nếu người gửi và người nhận trông giữ tài sản có hợp đồng cụ thể thì việc bồi thường dễ dàng thuận lợi. Nhưng nếu không có hợp đồng cụ thể trong việc cam kết đảm bảo tài sản, thì khi xảy ra tranh chấp được áp dụng theo Bộ luật Dân sự (tại Điều 559 Bộ luật Dân sự quy định về “Hợp đồng gửi, giữ tài sản”).
Ở đây, bạn đọc Trần Quang Thức có ký hợp đồng gửi xe với Ban Quản lý chung cư. Theo quy định tại Điều 559 Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ vào hợp đồng, nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của bên nào thì bên đó sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu thuộc trường hợp bất khả kháng thì cũng phải xét các bên có thực hiện hết trách nhiệm của mình để hạn chế thiệt hại xảy ra hay chưa.
Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trong trường hợp Ban Quản lý chung cư đã làm đủ hết mọi cách để ngăn chặn tình trạng nước ngập tầng hầm nhà chung cư nhưng đều không có tác dụng thì thiệt hại trong trường hợp này Ban Quản lý chung cư không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Người gửi xe sẽ phải tự chịu thiệt hại về tài sản của mình để trong tầng hầm nhà chung cư trong những trường hợp bất khả kháng này.
Đối với trường hợp Ban Quản lý chung cư có lỗi do chủ quan sai sót, vi phạm như không có biện pháp cần thiết và hiệu quả ngăn chặn nước tràn vào hầm hoặc di dời tài sản kịp thời khi đã được cảnh báo mưa to trước đó. Hoặc do thiết kế, thi công không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện an toàn chống lụt thông thường có thể xảy ra, thì Ban Quản lý chung cư phải bồi thường thiệt hại tài sản cho chủ phương tiện./.