Xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng

Thứ hai, 21/02/2022 16:09
(ĐCSVN) - Bạn đọc Vi Minh Tư, sống tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn hỏi: Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc sử dụng súng, mìn, lựu đạn… để giải quyết mâu thuẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc và làm mất trật tự an toàn xã hội. Xin hỏi quy định hiện hành của pháp luật về xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật số 50/2019/QH14 do Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2020), các loại súng cầm tay như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu…, vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; và bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi…. đều là vũ khí quân dụng.

Pháp luật hiện nay cấm cá nhân sở hữu, sử dụng vũ khí quân dụng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
(Ảnh: Quang Minh)  

Luật cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Do đó, người nào sử dụng vũ khí quân dụng, nhẹ thì bị xử lý hành chính còn nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, Điểm a Khoản 5 Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, nêu rõ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Về trách nhiệm hình sự, Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Nếu làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn; thì có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Về quy định liên quan tới quản lý vũ khí quân dụng, theo Điều 414 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định về tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Trường hợp nếu hành vi làm mất vũ khí quân dụng nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tức là chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 10 Mục 1 Chương II Nghị định 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 12 năm 2013) với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực