Hà Nam: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh

Thứ năm, 24/08/2023 16:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trước tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thời gian qua vẫn diễn ra khá phổ biến, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh.

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT khá phổ biến

Khi lưu thông trên đường nhiều học sinh, nhất là học sinh bậc trung học phổ thông (THPT) điều khiển xe mô tô, xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH). Ở một số tuyến đường còn xuất hiện những nhóm học sinh dàn hàng ba, hàng bốn, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây mất TTATGT và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác. Đặc biệt, một số em còn sử dụng bộ phận giảm thanh không bảo đảm quy chuẩn về tiếng ồn, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người đi đường, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

 Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an TP. Phủ Lý, Công an phường Lam Hạ
tuyên truyên Luật an toàn giao thông cho phụ huynh và các em học sinh (Ảnh: Hồng Sâm)

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hà Nam, năm học 2022 – 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra xử lý, nhắc nhở trên 600 học sinh vi phạm các quy định về TTATGT, trong đó phần lớn là các hành vi: không đội MBH khi điều khiển phương tiện, chưa đủ tuổi nhưng vẫn lái xe và chở quá số lượng người quy định… Những vi phạm này đều là tác nhân trực tiếp có thể dẫn tới TNGT cho chính học sinh và người cùng tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao, thích thể hiện bản thân; nhiều phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con em đúng mức hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích. Cùng với đó, công tác TTPBGDPL, nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT đối với học sinh tại một số nhà trường tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Việc TTPBGDPL mới chỉ dừng ở mức giúp học sinh hiểu được các quy định về bảo đảm TTATGT, tác hại, hậu quả nếu vi phạm các quy định về TTATGT.

 Bên cạnh đó, việc xử lý học sinh vi phạm về TTATGT mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về thì nặng nhất cũng chỉ phê bình trước lớp hoặc hạ hạnh kiểm. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông chưa thể hiện rõ nét tính phòng ngừa, giáo dục, răn đe.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT cho học sinh

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 1182/UBND-GTXD ngày 20/6/2023 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), phòng tránh tai nạn giao thông (TNGT), tai nạn đuối nước cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Trong đó,  Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Hà Nam yêu cầu:

 Tình trạng học sinh vi phạm TTATGT hiện nay vẫn còn khá phổ biến (Ảnh minh họa: TL)

Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT từ cơ sở. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý và phân công theo Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 05/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT nhằm hạn chế, giảm TNGT trên địa bàn; Kế hoạch số 966/KH-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương các cấp rà soát, kiểm tra, đề xuất kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý các yếu tố gây mất TTATGT, các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý và ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên lạc với học sinh, phụ huynh trong dịp nghỉ hè, tăng cường nhắc nhở, khuyến cáo học sinh tuân thủ các quy định pháp luật ATGT, sử dụng các trang thiết bị an toàn, mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hướng dẫn các kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích thông qua tin nhắn SMS, Zalo, Facebook…

Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 125/KH-CA-SGD&ĐT ngày 19/01/2023 về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2023-2025. Nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” thông qua việc tổ chức giao thông ở khu vực cổng trường và tuyến đường thường xuyên đi học của học sinh, trẻ em (từ nhà tới trường và ngược lại) ngay sau khi học sinh hết kỳ nghỉ hè.

Công an tỉnh chủ trì triển khai hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 125/KH-CA-SGD&ĐT ngày 19/01/2023 về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2023-2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông và huấn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện, chở quá số người quy định; đặc biệt tập trung xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tới từng xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn bản phối hợp cùng các cấp bộ Đoàn tại địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động hè tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho học sinh, thanh thiếu niên đặc biệt các khu vực vùng núi, vùng nông thôn, thông qua các hoạt động hè tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở, hướng dẫn các em nâng cao ý thức phòng tránh TNGT, tai nạn thương tích bảo vệ an toàn cho bản thân và người xung quanh. 

Trong bối cảnh năm học mới 2023 - 2024 sắp bắt đầu, việc quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm TTATGT cho học sinh cần có sự chung tay từ phía nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng để thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa, góp phần cải thiện tình trạng vi phạm TTATGT của học sinh trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Lam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực