|
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định Đinh Xuân Hùng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đề xuất đồng hành chuyển đổi số ngành GTVT. (Ảnh: Hải Yến) |
Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh cho lắp đặt hệ thống điều khiển trung tâm đèn tín hiệu giao thông kết nối trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh. Các cụm đèn tín hiệu tại 6 nút giao thông đó gồm: đường tỉnh 490C và đường Lê Đức Thọ; đường tỉnh 485B và đường tỉnh 490C, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); nút giao đường tỉnh 490C và Quốc lộ 37B tại cầu 3-2, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Quốc lộ 21 và đường tỉnh 487B tại cống Khâm, xã Nam Hồng (Nam Trực); Quốc lộ 21 và đường tỉnh 487 tại cầu Điện Biên, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Quốc lộ 38B và đường tỉnh 485, thị trấn Lâm (Ý Yên). Thay thế bộ điều khiển đèn tín hiệu giao thông có khả năng kết nối trung tâm; Lắp đặt module kết nối trung tâm ATS-13; module thời gian thực vệ tinh; Rải cáp cấp nguồn cho module giám sát giao thông…; lắp đặt khối giám sát giao thông Realtime; module phân tích và lưu trữ dữ liệu giao thông; module truyền hình ảnh/dữ liệu từ nút giao thông về Trung tâm. Tại trung tâm điều khiển và giám sát giao thông: Lắp đặt màn hình rộng 55 inch để hiển thị hình ảnh/dữ liệu tại hiện trường; máy trạm khai thác, lưu trữ và đẩy hình ảnh/dữ liệu lên màn hình; Module bộ định tuyến và trích xuất dữ liệu trung tâm. Hiện nay, hệ thống đã được hoàn thành, đang thực hiện vận hành thử cho phép quan sát và trực tiếp điều khiển thời gian, chu kỳ các pha đèn tại các nút giao thông.
Thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, Sở đã triển khai và áp dụng nhiều phần mềm quản lý: phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm cơ sở dữ liệu cầu, đường bộ trên địa bàn tỉnh; phần mềm quản lý cấp đổi giấy phép lái xe, phần mềm quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; phần mềm theo dõi thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, từ đó giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải; phần mềm quản lý công tác đăng kiểm...
Các đơn vị hạch toán độc lập đã sử dụng các phần mềm kế toán, thuế, quản lý nhân sự, phần mềm kê khai, nộp thuế qua mạng, phần mềm quản lý về bảo hiểm xã hội, ứng dụng chứng thư số... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý, tính chính xác và thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan.
Đến nay, 100% hệ thống máy tính được nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu khai thác, sử dụng của công chức, viên chức, người lao động cơ quan Sở; 100% công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở GTVT dùng các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính…) tiếp cận với dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả toàn diện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính - Trung tâm hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng giữa Bộ phận Một cửa với các phòng chuyên môn trong quy trình thủ tục hành chính. Sở đã đăng ký 72/143 thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ được cung cấp dịch vụ công toàn trình, đảm bảo tỷ lệ 100%. Tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình là 989/1.098 (bằng 90,07%) tổng số hồ sơ…
Sở GTVT có 1/25 dịch vụ công thiết yếu (theo Đề án theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ) được ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, là thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Đến hết tháng 10/2023 đã có 817 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên Cổng DVCQG, tổng số tiền thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng DVCQG của Sở đạt trên 110 triệu đồng. Về công tác số hóa hồ sơ đến hết tháng 10/2023, Sở GTVT đã thực hiện được 16.784/17.308 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97%; trong đó phần lớn là hồ sơ liên quan đến thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe hiện đang sử dụng phần mềm của Bộ GTVT, đã được số hoá trên phần mềm của Bộ GTVT, công dân có thể tra cứu thông tin giấy phép của mình tại đường link: https://gplx.gov.vn/.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác CĐS, trong tháng 11/2023, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tới các huyện, thành phố Nam Định và 226 xã, phường, thị trấn nhằm tập huấn, phổ biến kiến thức cho cán bộ chủ chốt, cán bộ công chức phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính truyền thông các địa phương. Qua tập huấn đã góp phần quan trọng cập nhật kiến thức, nâng cao ý thức tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khát vọng, mục tiêu của ngành; từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; việc quản lý và điều hành thông minh, an toàn; đảm bảo giao thông thông suốt, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương của các cấp về chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trọng tâm là lĩnh vực quản lý Nhà nước về GTVT. Từ đó, từng cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác chuyên môn cũng như công tác chuyển đổi số.
Trước đó, Sở GTVT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tới các huyện, thành phố, xã, thị trấn đề xuất đồng hành chuyển đổi số ngành GTVT tỉnh Nam Định.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Đinh Xuân Hùng - Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Hiện nay tiềm năng kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đón đầu lợi ích của nền kinh tế tri thức và làn sóng công nghệ 4.0. Xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá”, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành GTVT, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu ngành GTVT đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số./.