Những năm gần đây, đi cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng ô-tô, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến ô-tô nói chung, trẻ em ngồi trên ô-tô nói riêng khi tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển cộng đồng (CHD) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Ban ATGT TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô-tô” tại TP Đà Nẵng vừa qua với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp phòng ngừa TNGT đối với trẻ em.
|
Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng kiểm tra, giám sát hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô-tô. |
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến – Giám đốc CHD, những năm qua, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 1.800 – 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em, trong đó, có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô-tô. Nếu đưa vào luật về quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và được áp dụng hiệu quả, mỗi năm có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô-tô khi tham gia giao thông. “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô là thiết bị được thiết kế cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô-tô nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc tăng, giảm tốc độ đột ngột. Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như: nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định, an toàn trên xe ô-tô”- bà Yến chia sẻ thêm.
PGS.TS Phạm Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Đại học Y tế cộng đồng), cho rằng, để góp phần phòng ngừa có hiệu quả TNGT đối với trẻ em khi tham gia giao thông trên ô-tô, cần nghiên cứu đưa quy định về vị trí an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông vào luật. Không nên cho trẻ em ngồi ở hàng ghế trước vì đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi ô-tô xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe trong trường hợp không thắt dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí, trẻ em hiếu động và tò mò gây mất tập trung cho người lái xe, v.v… Đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Việt Cường, TS Dương Khánh Vân – cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế Thế Giới tại Việt Nam, khuyến nghị các hàng ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em khi ngồi trên ô-tô , vì khi ô-tô xảy ra va chạm hoặc TNGT sẽ giảm nguy cơ gây ra chấn thương cho trẻ em kể cả trường hợp không thắt dây an toàn hoặc sử dụng thiết bị an toàn.
Trung tá Thái Anh Tuấn (Phòng CSGT CATP Đà Nẵng) cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là sự chung tay, góp sức của nhân dân TP nên công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân được nâng cao rõ rệt… đã làm cho TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là TNGT liên quan đến các phương tiện vận tải lớn, có nguồn nguy hiểm cao như: xe tải ben, xe container, xe khách, v.v... đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông nói chung, trẻ em nói riêng. “Để góp phần ngăn chặn, kéo giảm TNGT, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò của các bậc phụ huynh (PH), người trực tiếp điều khiển phương tiện chở trẻ em. Toàn thể cộng đồng xã hội hãy tham gia giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em bằng cách: hãy thắt dây an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô-tô; không để trẻ tự ý mở cửa lên xuống khi xe dừng, đỗ; tuyệt đối không giao phương tiện cơ giới cho trẻ điều khiển…; đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông”- Trung tá Thái Anh Tuấn mong muốn.
Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban ATGT TP về việc bảo đảm an toàn cho học sinh (HS) khi sử dụng dịch vụ đưa, đón bằng xe ô-tô trên địa bàn TP, thời gian qua, Sở đã yêu cầu các trường học trên địa bàn TP tăng cường tuyên truyền cho PHHS về việc lựa chọn dịch vụ xe đưa, đón HS phải lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô theo quy định pháp luật. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với PH trong việc giám sát, quản lý chặt chẽ đối với dịch vụ này...; đặc biệt là phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải khách triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đối với ô-tô đưa đón HS. Đối với hoạt động xe nội bộ của các trường đưa, đón HS thì phải thực hiện nghiêm túc các quy định về xe nội bộ tại Công văn số 3964 của Sở GTVT TP; phải bảo vệ sức khỏe cho HS khi ngồi trên xe và khi lên xe, xuống ô-tô. Đặc biệt, trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, nhắc nhở HS thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe; tổ chức tập huấn, hướng dẫn lái xe và người đưa đón HS về các quy định, nội dung liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT...