Thanh Hóa: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT những tháng cuối năm 2023

Thứ tư, 18/10/2023 10:30
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh nguyên nhân số vụ tai nạn tăng, số người bị chết, bị thương trong 8 tháng vừa qua tăng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vừa qua là do ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông cho người tham gia giao thông...
Hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm 2023 của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa 

Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm 2023. Đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban ATGT tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh trình bày Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023. Theo đó, 8 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 335 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 131 người, làm bị thương 347 người, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 133 vụ (65,8%), tăng 52 người chết (65,8%), tăng 176 người bị thương (103%).

Trong 8 tháng, các lực lượng chức năng xử phạt 68.359 trường hợp, nộp Kho bạc nhà nước với số tiền là gần 166 tỷ; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 14.567 trường hợp (tăng 27%), số tiền phạt tăng 51,9 tỷ đồng (tăng 45%).

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục đã ban hành và triển khai kế hoạch về công tác tuyên truyền an toàn giao thông tới các cấp học.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Định lý giải một số nguyên nhân làm số vụ tai nạn tăng, số người chết và bị thương tăng trên địa bàn huyện 8 tháng đầu năm 2023; nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông không đi đúng phần đường, vượt đèn đỏ, ngã ba ngã tư,…lãnh đạo huyện Yên Định cũng đề xuất một số giải pháp như: tăng cường phương tiện công cộng cho đối tượng là công nhân lao động tại các nhà máy, kiểm tra và khắc phục sớm tình trạng đèn giao thông bị hư, hỏng tại các tuyến đường;…

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cũng nhận định, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, người điểu khiển phương tiện giao thông; rà soát lại những giải pháp hiện nay, Công an tỉnh hiện đang tập trung vào giải pháp công tác “xử lý nguội” vi phạm an toàn giao thông để xử lý và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và người bị thương.

Sau khi các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, phát biểu kết luận, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị 

Nhấn mạnh nguyên nhân số vụ tai nạn tăng, số người bị chết, bị thương trong 8 tháng vừa qua tăng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vừa qua là do ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông cho người tham gia giao thông...

Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Mai Xuân Liêm yêu cầu cần tập trung công tác tuyên truyền an toàn giao thông, phổ biến pháp luật trật tự ATGT cần tiếp tục được duy trì, triển khai sâu rộng, thiết thực, cụ thể, nhất là tuyên truyền trong các trường học, tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong học sinh, thanh thiếu niên; cần phân nhóm các đối tượng để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao.

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải rà soát định kỳ, báo cáo UBND tỉnh về hạ tầng giao thông bất cập, các điểm đen, điểm tiềm ẩn, nguy cơ mất an toàn giao thông; đối với trường hợp cấp bách thì báo cáo UBND tỉnh ngay. Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường công tác đăng kiểm, đặc biệt lưu ý đối với phương tiện giao thông khi có hiện tượng, dấu hiệu cơi nới thiết bị, thay thiết bị. Các lực lượng chức năng tiếp tục xử lý tốt công tác kiểm tra “nồng độ cồn”.

Đối với tình trạng xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, giao Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và UBND thành phố Thanh Hóa báo cáo phương án xử lý UBND tỉnh trong tháng 9/2023.
 
Yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa kịp thời khắc phục, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông; tập trung giải tỏa vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang giao thông. Các huyện, thị xã, thành phố trong tháng 9/2023 tiếp tục tham gia ý kiến về kế hoạch đảm bảo hành lang ATGT gửi Sở Giao thông vận tải để hoàn thiện dự thảo trình UBND ban hành Kế hoạch trong thời gian tới.

Giao Công an tỉnh Thanh Hóa, Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng nêu cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ trong hoạt động đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, riêng với công tác đăng kiểm đường bộ, đường thuỷ, giao Sở Giao thông vận tải rà soát các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để xử lý xe vi phạm kích thước, thành thùng. 

Về công tác an toàn đường thủy, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực V khảo sát, đề xuất phương án địa điểm neo đậu tàu cho tuyến đường thủy, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10/2023. 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực