Năm 2018, các mục tiêu của dự án bao gồm: Can thiệp dự phòng, chẩn đoán sớm - xét nghiệm HIV tại cơ sở, điều trị ARV dự phòng lây nhiễm HIV và tử vong do AIDS, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đã được chú trọng thực hiện. Hiện dự án đã được triển khai tại 7/9 huyện, thị, thành phố, 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Theo báo cáo, số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV là 948 người, số tù nhân được điều trị ARV là 114 người... Ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục thiết lập mạng lưới đồng đẳng viên ở các huyện, thành phố, và tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm như phát bơm kim tiêm, bao cao su.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm nguy cơ. Mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và tử vong do AIDS nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong dân cư, giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phát hiện trên 6.500 người nhiễm HIV. Hiện trên 95% số người nhiễm đang điều trị tại tỉnh đã tham gia BHYT và tỉ lệ này được duy trì ổn định từ cuối năm 2016 đến nay. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV có thẻ BHYT vào năm 2020.
Trong thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Một số người nhiễm HIV/AIDS không đủ điều kiện tham gia BHYT do không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân; một số dịch vụ trong KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS không có sẵn tại địa bàn (dịch vụ xét nghiệm tải lượng virus HIV).
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương vẫn còn gần 5% số người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn, nên phía Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang phải tìm giải pháp bảo đảm 100% người nhiễm tại tỉnh tham gia BHYT vào năm 2020.
Các nguồn viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh. Để bảo đảm kết quả cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đầu tháng 3/2019, thuốc ARV cho người nhiễm HIV đã được quỹ BHYT chi trả. Vì thế, việc người nhiễm HIV tham gia BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, giảm gánh nặng tài chính cho chính bản thân cũng như gia đình họ.
Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đảm bảo cho 100% người nhiễm HIV/AIDS sinh sống trên địa bàn có thẻ BHYT và được sử dụng đầy đủ các dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS; tổ chức các hội nghị, hội thảo vận động sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội… đối với việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT;
Tăng cường vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT trên các kênh thông tin đại chúng, đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV, lợi ích của BHYT trong việc khám, điều trị HIV/AIDS; tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về kỹ năng tư vấn, truyền thông cho người nhiễm HIV/AIDS tự nguyện tham gia BHYT; huy động các nguồn đóng góp từ xã hội để hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ về tài chính và chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ Quỹ BHYT đối với bệnh nhân có thẻ BHYT; hàng năm tiến hành mua thẻ BHYT cấp cho người nhiễm HIV/AIDS; thực hiện hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV từ năm 2019./.