*Tại Trà Vinh, ngày 26/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tổ chức tiếp xúc cử tri ngành Bảo hiểm Xã hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 6. Theo đó, Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật; thảo luận cho ý kiến đối với 8 dự án Luật, xem xét thông qua 2 Nghị quyết; đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri ngành Bảo hiểm đã có những chia sẻ về khó khăn trong công tác thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; một số bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế hiện nay…
Một số cử tri cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động, để xảy ra tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Nhiều cơ sở sản xuất gia công trên địa bàn tỉnh sử dụng nhân công nhưng không ký hợp đồng lao động, dẫn tới việc khai thác người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ khu vực này rất hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh Trần Ngọc Sanh, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 01/01/2022, chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với trước kia.
Vì vậy, để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng mở rộng chế độ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như bổ sung thêm chế độ ngắn hạn ốm đau, thai sản...; điều chỉnh điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
*Tại Quảng Ninh, chiều 28/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan chủ trì hội nghị.
|
Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Quảng Ninh. Ảnh: Phong Nam |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết một số tồn tại, bất cập. Qua đó, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng (trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung); mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quy định quản lý thu, đóng; giải quyết vấn đề về hưu trí và thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần...
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; các quy định về quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc… Đồng thời, đề nghị mở rộng thêm chế độ của chính sách bảo hiểm tự nguyện (chế độ thai sản và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; bổ sung quy định xử lý triệt để đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Khẳng định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một nội dung rất quan trọng, sẽ góp phần khắc phục được những bất cập trong thực tiễn, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của cử tri để gửi tới Quốc hội trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Sáu cũng như các cơ quan chức năng liên quan theo quy định.
*Tại Bắc Ninh, sáng 28/9, tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri được nghe thông báo về dự kiến thời gian, nội dung tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV; giới thiệu một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương với 136 điều, trong đó, nêu rõ những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm…
|
Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào
dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Bắc Ninh. Ảnh: H.H
|
Thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cử tri đóng góp ý kiến liên quan đến xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần…
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề cập đến việc bổ sung thêm quyền lợi ngắn hạn như: chế độ ốm đau đối với người tham gia BHXH tự nguyện; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm thu hút người dân tiếp cận với chính sách BHXH, tham gia BHXH tự nguyện; quy định người đang tham gia BHXH tự nguyện mà bị chết và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 60 tháng thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh Luật BHXH (sửa đổi) sau khi được ban hành có ý nghĩa quan trọng góp phần mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Vì vậy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền để Luật đi vào cuộc sống./.