Ảnh minh họa. Nguồn: KT
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, với nhiều điểm mới về đối tượng tham gia, cách tính lương hưu, quyền lợi của người lao động… đặc biệt quy định về tiền lương đóng BHXH.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, sau 6 tháng triển khai thực hiện, vẫn chưa thể đánh giá được tỷ lệ doanh nghiệp đóng BHXH theo cách mới, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn. Do đó nếu lộ trình từ 1/1/2018 trở đi, tiền lương đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và bổ sung khác, chưa thực hiện được thì phải kéo giãn thời gian.
Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài đóng dựa vào mức lương tối thiểu, bây giờ đóng thêm lương cấp bậc cộng với phụ cấp, khiến chi phí tăng. Trong khi Chính phủ khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì đây là điều đáng phải suy nghĩ. Do đó cần xem xét khoản nào có thể giảm được, điều này đang phải tính toán.
Chúng ta đang trong quá trình điều chỉnh chính sách để không bị mất cân đối. Nhưng trong ngắn hạn phải thay đổi như tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp. Thông thường, những chính sách này với các nước là quy định ngắn hạn trong thời gian 3 năm, 5 năm. Nếu như thu lớn hơn chi thì họ sẽ giảm mức đóng cho doanh nghiệp. Ngược lại, chi lớn hơn thu thì họ phải tăng. Điều này cần linh hoạt vì quỹ bảo hiểm ngắn hạn thường hết năm là kết toán. Cho nên chúng ta phải suy nghĩ để giảm sức ép chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Ở đây phải chia ra các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải gồng lên, nhưng đang phải thực hiện. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm chưa thể tổng kết đánh giá. Cần tính độ trễ chính sách đầu năm. Chúng ta nói là 1/1/2016 thực hiện, nhưng có doanh nghiệp đầu năm đã tạm đóng, sau họ mới đưa vào.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Trong năm nay sẽ đánh giá cụ thể, khi chúng ta bắt doanh nghiệp đóng trên mức lương cấp bậc. Chắc chắn quỹ sẽ tăng lên, còn để giảm tỷ lệ hưu trí thì tôi nghĩ quỹ của chúng ta phải tính chuyện 15 – 20 năm tới. Theo dự báo của các nhà dân số học, quá trình già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu tăng nhanh, tuổi thọ tăng lên, tuổi lao động đang giữ vững cho nên tuổi thời gian nghỉ hưu đang kéo dài ra.
Bên cạnh đó, phải tính toán làm sao để đổi mới cách tính thu nhập cá nhân cho mỗi người, từ đó họ hiểu rõ hơn phần đóng được bao nhiêu.
Bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động là lấy số đông bù số ít, người khỏe bù người ốm đau. Nhưng bảo hiểm hưu trí thì không ai bù cho ai cả, cho nên phải tiến tới tính tổng thu nhập cá nhân để biết được một người trong quãng đời làm việc của mình đóng được bao nhiêu, sẽ hưởng bao nhiêu./.