Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, năm 2019, tình hình nợ có dấu hiệu tăng khi hiện nay có 37.000 đơn vị còn nợ với hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Về nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện chiếm tỷ trọng lớn (1.384,6 tỷ đồng, chiếm 66,4% tổng số tiền nợ). Đặc biệt, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, tính đến ngày 30/4/2019 đã có hơn 7.000 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 781,1 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp này lại chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Về phía mình, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ của đơn vị mình. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khó khăn, lãi suất từ tiền nợ bảo hiểm cao; các khoản nợ do lịch sử để lại, kéo dài sau nhiều năm. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, không có nguồn thu. Lý do được hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đưa ra là chưa thu hồi được công nợ từ những dự án có vốn ngân sách nhà nước.
Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xử lý nguồn nợ bảo hiểm xã hội. Trong đó, Quyết định 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã quy định số nợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp được bóc tách và không bị tình trạng lãi chồng lãi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: Quy định xử lý nợ và mức tính lãi suất đã được nêu rõ tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và nhiều văn bản liên quan. Do đó, việc giảm lãi suất chậm đóng theo đề nghị của nhiều doanh nghiệp là không thể thực hiện được. Còn về đề xuất khoanh nợ hoặc giảm nợ của doanh nghiệp, theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm, ngay cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng chưa quy định điều này.
Tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp với Bảo hiểm xã hội Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát từng doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch trả nợ năm 2019. Đồng thời, yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội tập hợp những nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về phía các doanh nghiệp cần ý thức được rằng, nợ tiền bảo hiểm là nợ của người lao động, chứ không phải nợ cơ quan bảo hiểm xã hội. Do vậy, chủ doanh nghiệp phải quan tâm đến người lao động, nếu không sẽ không giữ được lao động giỏi tay nghề, đồng nghĩa với việc không có sản phẩm tốt, doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững./.