Cần có giải pháp căn cơ hạn chế thấp nhất đối tượng hưởng BHXH một lần

Thứ tư, 10/11/2021 15:04
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, cần phải có quy định hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh của Đảng và Nhà nước.

Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 10/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhận định: Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng nên hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch hiện nay.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông ) phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, theo đại biểu, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 35%-36%. Bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28%-29%, đối với lực lượng lao động trong độ tuổi như vậy là còn rất thấp, số nợ chậm đóng bảo hiểm tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, đối tượng hưởng chế độ 1 lần năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mặt khác, hiện nay còn khoảng 9% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân hiện nay.

Để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội đi vào cuộc sống, phát triển hệ thống đảm bảo đồng bộ, bảo hiểm tiến bộ, đẩy mạnh phát triển hình thức bảo hiểm tự nguyện, có giải pháp căn cơ để hạn chế mức thấp nhất đối tượng bảo hiểm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Xử lý mạnh để hạn chế tối đa nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài.

Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng chỉ ra, thời gian gần đây số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần so với số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm của năm 2020. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống bảo hiểm xã hội. Người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai, đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Do đó,  đề nghị tới đây khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Quốc hội cần xem xét quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần thật thấu đáo.

Theo đại biểu, cần nhìn nhận việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần là vấn đề chính sách của nhà nước. Theo đó, cần phải có quy định hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh của Đảng và Nhà nước.

“Đề nghị sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội1 lần, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ”, đại biểu kiến nghị./.

Linh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực