(ĐCSVN) - Thảo luận về tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng năm 2015, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) kiến nghị Chính phủ cần quan tâm mức lương hưu cho các đối tượng nghỉ hưu từ năm 1992 trở về trước.
|
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc. Ảnh: LA |
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc lý giải, các đối tượng nghỉ hưu từ năm 1992 trở về trước hầu hết là những người đã tham gia kháng chiến, khi đất nước thống nhất họ lại tiếp tục tham gia xây dựng đất nước, đưa đất nước vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp. Nhưng do chính sách trong giai đoạn này tính mức lương hưu quá thấp nếu so với các đối tượng về hưu sau này cùng thời gian công tác, cùng chức vụ thì chênh lệch rất lớn.
Thêm nữa, đại biểu cho hay, hiện nay, các đối tượng này còn sống không nhiều, đã lớn tuổi và thường xuyên đau yếu, sống phụ thuộc vào con cái. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Cao Phúc kiến nghị Chính phủ cần quan tâm nâng mức lương hưu cho các đối tượng nghỉ hưu từ năm 1992 trở về trướcđể tạo sự công bằng, giảm bớt khó khăn cho con cái và gia đình họ. Đồng thời, đây cũng là nghĩa cử tri ân các đối tượng đã có công đóng góp trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước trong những ngày đầu giải phóng hết sức khó khăn, gian khổ.
Về chính sách xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết, Luật bảo hiểm y tế 2014 được cử tri đánh giá cao về tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện sự công bằng trong hưởng thụ của người dân về chăm sóc sức khỏe, nhưng khi triển khai bộc lộ rất nhiều bất cập đó là việc quy định.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Ảnh: Anh Tuấn |
“Việc buộc người dân mua bảo hiểm theo hộ gia đình, phải photo tất cả các thẻ bảo hiểm của người trong gia đình, đồng thời mua bảo hiểm đó phải có sự đồng ý của tất cả thành viên trong hộ gia đình trong khi đó hộ khẩu trong gia đình có tình trạng nhập nhèm, gửi hộ khẩu để họ đi làm việc, để họ tham gia học tập. Chính vì vậy, đây là bất cập trong việc mua bảo hiểm này” – đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại biểu cho hay, việc để hưởng chính sách giảm dần theo mức đóng, việc hướng dẫn vẫn buộc người dân phải đóng cùng một lúc, cùng một thời điểm thì mới được hưởng cái này. Chính sách này vô hình chung chỉ hỗ trợ cho người có thu nhập cao. Còn người có thu nhập thấp thì rất khó khăn.
Mặc dù vấn đề này ngành bảo hiểm có tiếp thu, nhưng không biết tới đây sẽ sửa đổi thì còn tình trạng này hay không? Chính vì vậy cử tri tiếp tục kiến nghị cần phải quy định có khung thời gian để người tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, đóng phí mà vẫn được hưởng chính sách giảm dần theo mức đóng từ người thứ hai trở đi. Đồng thời đề nghị cải cách thủ tục mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Làm thế nào để không gây khó khăn cho người dân./.