Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đảm bảo lợi ích cho người lao động khi về già

Thứ ba, 19/05/2015 08:21

(ĐCSVN)Việc giải quyết bảo hiểm xã hội một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 về BHXH 1 lần. Qua thảo luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội chuẩn bị báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ IX để Quốc hội đưa ra kết luận cuối cùng.

Điều 60 Luật BHXH giúp người lao động hưởng lợi nhiều hơn

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày nêu rõ, Luật BHXH năm 2006 quy định người lao động sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH 1 lần.

Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Việc giải quyết bảo hiểm xã hội một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày.báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần. Ảnh: Kha Thoa 

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, Bộ trưởng Chuyền cho biết, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận BHXH 1 lần.

Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc, thì tạm thời chưa giải quyết BHXH 1 lần, mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc BHXH tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.

Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc, thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.

Như vậy, nội dung Điều 60 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ báo cáo UBTVQH kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH 1 lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt.

Tuy nhiên, nếu người lao động nhận BHXH 1 lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu.

Chính vì vậy, cùng với việc sửa đổi như trên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng BHXH 1 lần.

Cần tuyên truyền toàn diện để người lao động thấy rõ lợi ích

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày cho thấy, chính sách BHXH một lần trong Luật BHXH (2006) dẫn đến hằng năm có khoảng 500.000-600.000 người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chủ yếu là đối tượng lao động có thời gian tham gia BHXH từ 1 năm đến 3 năm, tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân và liên doanh. Việc người lao động rút tiền tham gia BHXH với thời gian đóng ngắn có nguyên nhân từ sự thiếu ổn định của thị trường lao động, việc mở rộng chính sách bảo hiểm xã hội một lần (Luật BHXH năm 2006) và tâm lý người lao động xem khoản tiền BHXH như một khoản tiền tiết kiệm của riêng mình.

Tán thành phương án của Chính phủ về việc sửa Điều 60, song bà Trương Thị Mai đề nghị, cần có lộ trình để nâng dần thời gian nghỉ việc lên 2-3 năm mới được nhận bảo hiểm xã hội một lần và để bảo đảm công bằng với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước, mức hưởng một lần phải đồng bộ với quy định tại Điều 77, Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Phương án hai Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra là giao cho Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng giao Chính phủ ra nghị định là không phù hợp vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không thể điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ.

Theo bà Trương Thị Mai, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan BHXH các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến và giải thích đầy đủ, đúng bản chất, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm của chính sách BHXH – chính sách trụ cột của an sinh xã hội nhằm tăng số lượng người lao động tham gia BHXH theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2020 (50% lực lượng lao động).

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH khi phát biểu đều đồng tình với ý nghĩa của Điều 60 và đặt ra câu hỏi tại sao chính sách tốt như vậy lại không nhận được sự đồng tình của người lao động ở một số địa phương như thời gian qua, trong khi lao động ở nhiều khu vực khác không phản ứng gì về chính sách này?

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về Điều 60 Luật BHXH 2014.
 Ảnh: Kha Thoa
 

Khẳng định Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội thể hiện đúng chủ trương, phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Việc xảy ra phản ứng của một bộ phận người lao động là rất đáng tiếc, nhưng cần bình tĩnh đánh giá để quyết định sửa luật hay điều chỉnh đáp ứng nguyện vọng của người lao động và phù hợp với mục tiêu luật hướng tới".

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần trả lời câu hỏi vì sao chỉ một phận công nhân phản ứng chứ không phải tất cả? Một bộ phận đó có thể đại diện cho công nhân cả nước hay không? Đưa ra dẫn chứng khi còn công tác tại Bộ LĐTBXH, bà Ngân cho hay, thực tế chứng minh nhiều người được giải quyết chế độ 176 (trợ cấp thôi việc một lần) đã đề nghị trả lại trợ cấp để được hưởng lương hưu.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc bổ sung, sửa đổi hay làm luật mới là điều bình thường, nhưng phải có căn cứ, nguyên tắc. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc công nhân phản ứng Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tốt nên khi đụng chạm đến lợi ích trước mắt là có phản ứng dù luật chưa có hiệu lực. Do đó cần phải đẩy mạnh tuyên truyền toàn diện để người lao động thấy rõ lợi ích và nếu không được thì sẽ điều chỉnh linh hoạt.

Các thành viên khác của UBTVQH thì đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, báo cáo cụ thể hơn trước Quốc hội về những phản ứng của người lao động ở một số địa phương thời gian qua, cũng như đánh giá đầy đủ lợi ích, bất cập khi thực hiện theo Điều 60 Luật BHXH để Quốc hội có điều kiện xem xét, quyết định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực