Lắng nghe và tiếp thu!

Thứ hai, 13/04/2015 14:47

(ĐCSVN) - Câu chuyện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vừa mới ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng đã bị kiến nghị sửa đổi đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

 

 Một số văn bản có dấu hiệu trái luật bị Bộ Tư pháp "tuýt còi". (Ảnh: TH)


Từ 1/1/2016, theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, người lao động sẽ không được thanh toán 1 lần số tiền đã đóng bảo hiểm mà phải đến lúc nghỉ hưu mới được sử dụng. Về khía cạnh bảo đảm an sinh xã hội thì điều này là rất nhân văn vì Nhà nước muốn bảo đảm mọi người lao động không phải sống nhờ người khác và vẫn có lương ngay cả khi đã mất sức lao động.

Tuy nhiên, trước thực tế quyền lợi của hơn nửa triệu người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp 1 lần đã cho thấy đây là vấn đề xung đột giữa lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Bởi trong thực tế, tại những ngành làm việc có nhiều hóa chất độc hại, nặng nhọc hay cần sự tỉ mỉ như may mặc, da giày, những ngành yêu cầu sự chính xác tập trung cao như điện tử thì nhiều người cho rằng họ không đủ sức lực và kiên nhẫn để chờ đủ thời gian để đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu. Đó là chưa nói đến những trường hợp người lao động không may mắc các bệnh nan y muốn nhận bảo hiểm 1 lần...

Báo chí phản ánh liên tục đã đẩy sự việc “nóng” mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… phải vào cuộc kiến nghị Chính phủ và Chính phủ đã chính thức đồng ý kiến nghị Quốc hội sửa lại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016 theo hướng cho phép người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành. Nhiều chuyên gia đánh giá cao phản ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người lao động, và giải quyết vụ việc.

Câu chuyện này lại làm chúng ta nhớ đến không ít những văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tiễn khiến dư luận không khỏi băn khoăn, thậm chí lo lắng. Điển hình như quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; người thấp bé nhẹ cân không được điều khiển xe cơ giới; chỉ được bán thịt gia súc gia cầm giết mổ chưa quá 8 giờ; xin phép khi quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông… Và mới đây nhất là dự thảo tịch thu xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định.

Lần đầu tiên một dự án luật vừa mới ban hành, chưa đến ngày có hiệu lực đã bị kiến nghị sửa đổi cộng thêm những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên như “từ trên trời rơi xuống” để thấy rằng, tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số cơ quan có trách nhiệm, có biểu hiện qua loa, thậm chí "cài cắm" quyền lợi cục bộ. Mặt khác là năng lực, trình độ còn non kém của một số cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật…

Tuy nhiên, qua việc này cho thấy trách nhiệm không chỉ của người làm công tác xây dựng pháp luật mà còn là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong lắng nghe ý kiến của người dân và trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là phản biện các văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp luật không "tự thân" đi vào cuộc sống, mà phải qua tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện. Để làm được điều này, thiết nghĩ, cơ quan làm luật phải cẩn trọng khi bàn bạc đến từng điều khoản. Nên để các chuyên gia am hiểu sâu trong lĩnh vực đó có những ý kiến phản biện và phải lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau của nhiều đối tượng bị tác động, chi phối. Phải phân tích thật kỹ trên cơ sở lắng nghe những ý kiến khác nhau…Mặt khác, luật ban hành phải phù hợp với nhiều đối tượng là vấn đề cần đặt ra cho cơ quan làm luật./.

 Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực