(ĐCSVN) - Việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016, đã đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó tiếp tục khẳng định “Bảo hiểm xã hội là trụ cột trong hệ thống ASXH” theo đúng quan điểm mà Đảng đã đề ra.
|
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, với việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng đối tượng áp dụng. Theo lộ trình, từ 1/1/2016, đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được mở rộng tới tất cả những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cho tới những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Từ ngày 1/1/2018, tiếp tục mở rộng tới những người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên và NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/1/2016 trở đi là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc (bỏ quy định giới hạn về trần tuổi trong tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện).
Cùng với việc quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tạo cơ hội rộng mở hơn cho người dân khi tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội.
Quy định áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với tất cả những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng sẽ tạo tiền đề cho việc thúc đẩy, triển khai các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Hiệp định khi được ký kết sẽ mang lại lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho công dân của mỗi quốc gia tham gia Hiệp định, tránh được việc thực hiện song trùng BH. Trong khi đó, người lao động lại được tính liên tục về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời có cơ hội được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội ở quốc gia mà họ sinh sống (mức trợ cấp được xác định trên cơ sở số thời gian làm việc và đóng góp ở mỗi quốc gia). Từ đó, tạo cơ hội thuận lợi cho họ trong quá trình dịch chuyển lao động, cũng như trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, các chế độ bảo hiểm xã hội được sửa đổi, bổ sung đã đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn, như đảm bảo quyền lợi của người tham gia, đồng thời hướng tới sự đảm bảo tính ổn định và bền vững lâu dài của Quỹ bảo hiểm xã hội. Đơn cử như: Tăng mức trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; sửa đổi một số nội dung quy định về điều kiện hưởng, mức hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần…
Đặc biệt, các quy định nhằm công khai và minh bạch hóa chế độ thông tin bảo hiểm xã hội tới người lao động và các cơ quan có liên quan sẽ giúp cho cơ chế tự giám sát. Qua đó giúp tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, một điểm mới thuận lợi của Luật, đó chính là cơ quan bảo hiểm xã hội được trao quyền thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc tăng cường công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao tính tuân thủ trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, như nhận định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân, việc triển khai thực hiện Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, bên cạnh việc mở rộng đối tượng áp dụng và sửa đổi, bổ sung các quy định trong chính sách, Luật cũng đặt ra những yêu cầu về đổi mới công tác tổ chức, triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả.
Theo đó, thách thức đầu tiên dễ nhận thấy là từ quy định mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Muốn quy định này đảm bảo tính khả thi, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác quản lý lao động; thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, cải cách thủ tục hành chính và triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện quy định này.
Thách thức tiếp theo là việc thực hiện một số thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, quy định lộ trình về tiền lương đóng lại tiệm cận dần với tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động nên sẽ có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp… Do đó, trước thời điểm áp dụng, đòi hỏi phải thông tin tuyên truyền một cách mạnh mẽ để người dân hiểu và thực hiện.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện tốt chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, ngành bảo hiểm xã hội cần phải có sự chuẩn bị, kiện toàn về cơ cấu tổ chức; hoàn thiện, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các chế độ đãi ngộ đối với lực lượng làm công tác này. Tuy nhiên, để việc thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao, Nhà nước cũng cần sớm sửa hệ thống chế tài như bổ sung tội trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động vào Bộ luật Hình sự.
Điểm mấu chốt không kém phần quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, đó chính là sự cần thiết phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở nhằm chỉ đạo, giám sát và triển khai thực hiện; từ đó góp phần nâng cao tính tuân thủ và hiệu quả trong thực thi chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội./.
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
“Việc triển khai thi hành Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần bám sát mục tiêu đảm bảo ASXH cho người dân cũng như đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội … Tuy nhiên, do luật này có nhiều vấn đề, nội dung nên nếu không làm cẩn thận sẽ rất dễ nảy sinh phức tạp. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần phải sớm có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện...”.
Ông Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam:
“BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật. Đơn cử như đang tích cực ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành; chủ động hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật mới; tăng cường giải pháp phát triển đối tượng, chống thất thu và hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội...”. |