Luật Bảo hiểm xã hội và chính sách đối với lao động nữ

Thứ hai, 30/03/2015 11:26

(ĐCSVN) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), quyền lợi của lao động nữ đã tiệm cận được với thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là các Công ước quốc tế về phụ nữ mà Việt Nam là thành viên.

 

Nữ công nhân ngành may mặc  


Trong Bộ luật Lao động 2012, lao động nữ được quy định trong một chương riêng (Chương X) với 10 Điều, quy định khá cụ thể những quyền lợi mà họ được hưởng. Đơn cử như: Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để người lao động nữ có việc làm thường xuyên; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi của lao động nữ… Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động). Trong khi đó, lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải bồi thường nếu có chứng nhận của thầy thuốc...

Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014 cũng đã có những quy định khá cụ thể về các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động nữ. Theo đó, lao động nữ cũng có những quyền cơ bản như lao động nam trong việc được làm việc, được ký hợp đồng và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, thay đổi căn bản nhất chủ yếu tập trung ở hai chế độ: Thai sản và hưu trí. Cụ thể, về chế độ thai sản, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật. Quy định này tuy áp dụng đối với lao động nam, nhưng lại có tác dụng rất lớn, đó là giúp lao động nam có điều kiện chăm sóc vợ con tốt hơn. Cũng vì thế, người phụ nữ (lao động nữ) cũng có điều kiện sớm phục hồi sức khỏe để cùng chăm lo cho tổ ấm gia đình cũng như tiếp tục làm việc, cống hiến cho công việc cơ quan.

Đặc biệt, lao động nữ cũng được Luật quan tâm bằng cách sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản. Theo đó, trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng, nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi (đồng thời bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng bảo hiểm xã hội giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi).

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Trường hợp mẹ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con (có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh) theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi…

Về chế độ hưu trí, Luật cũng bổ sung quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, Luật quy định lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nhóm bị suy giảm khả năng lao động, như sau: Từ ngày 1/1/2016, nữ đủ 46 tuổi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó, mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Trường hợp nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, quyền lợi của những người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội nói chung và lao động nữ nói riêng đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ; thể hiện rõ tính nhân văn trong xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, với những quy định trên, quyền lợi của lao động nữ ở nước ta đã tiệm cận được với quyền lợi của lao động nữ của nhiều quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là phù hợp với các Công ước quốc tế về phụ nữ mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về xã hội học cũng như bảo hiểm xã hội, trong môi trường xã hội Việt Nam, người phụ nữ vẫn còn bị ràng buộc bởi một số yếu tố như ý thức hệ, sự lo toan cho cuộc sống gia đình, con cái… nên vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận với chính sách đầy tính nhân văn này. Trong khi đó, ngay bản thân những phụ nữ đang tham gia vào các quan hệ lao động cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những vấn đề trên nên cũng chưa chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi cho mình… Chính vì vậy, quyền lợi của họ vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Do đó, để thực hiện hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhất là thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ, điều quan trọng cần làm đó là phải tăng cường tuyên truyền để tất cả lao động nữ hiểu được quyền và trách nhiệm của mình. Đồng thời phải gắn chặt việc thực hiện các chế độ chính sách với chính sách về bình đẳng giới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực