(ĐCSVN) - Năm 2015 là năm đầu tiên những quy định mới có tính đột phá của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) được đưa vào cuộc sống. Để đạt được tỷ lệ bao phủ 75% dân số dùng BHYT và tin học hóa toàn bộ hệ thống y tế vào cuối năm 2015 theo mục tiêu Quốc hội giao là một nhiệm vụ khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, sự cố gắng và quyết tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và mỗi cá nhân.
Nhiều khó khăn khi triển khai luật
Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai Luật BHYT, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2015, cả nước phấn đấu đạt tối thiểu 75% dân số được dùng thẻ BHYT. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó kế hoạch triển khai của nhiều địa phương chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và cụ thể, hiệu quả chưa cao; thủ tục quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà... Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
|
(Ảnh minh họa, nguồn: Đỗ Thoa) |
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia BHYT thấp đó là tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê, hiện có hơn 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Mặt khác, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách xã nghèo, huyện nghèo nên không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Do đó, số lượng người tham gia BHYT ở những địa phương này giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, tỷ lệ tham gia BHYT rất thấp do nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho những đối tượng này.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, chưa tích cực tham gia BHYT. Nhiều tỉnh có đến 20% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.
Còn đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, dù có sự gia tăng nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện BHYT bắt buộc theo hộ gia đình mới được triển khai, nhiều người chưa nắm rõ quy định mới. Nhất là quy định yêu cầu người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình; kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, không đủ đóng một lúc cho tất cả thành viên trong hộ gia đình; UBND xã, phường chưa xác định đầy đủ trách nhiệm trong việc lập danh sách tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT. Một số địa phương chậm do chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền công nhận là xã đảo, huyện đảo để ưu tiên mua thẻ BHYT.
Mới đây, khi trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận thủ tục, quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà. Tại một số địa phương khi kiểm tra, người dân và cả cán bộ xã, phường chưa nắm rõ quy định mới của luật. Cụ thể như chưa biết được thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, mua thẻ BHYT ở đâu? Có bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình không? Mức đóng BHYT của hộ là bao nhiêu, giảm mức đóng như thế nào? Do công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng nên người dân còn thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết được lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT.
Trên thực tế, chất lượng chữa bệnh BHYT thời gian qua chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là y tế cơ sở. Người dân vẫn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, trong chuyển tuyến khám, chữa bệnh, trong thanh toán BHYT. Trong khi đó, cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố), ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và chi tiền túi của người dân còn cao.
Gỡ khó bằng cách nào?
Có thể nói, với những bất cập nêu trên thì việc đạt mục tiêu 75% người dân tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ là thách thức. Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Muốn đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành Y tế, BHXH và các địa phương cần triển khai những biện pháp cụ thể để phát triển đối tượng tham gia BHYT, giải quyết từng việc một nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.
|
Người dân còn thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết được lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Ảnh: Đỗ Thoa |
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi và thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên, phấn đấu trong năm 2015 đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Đối với việc hỗ trợ đối tượng cận nghèo mua BHYT, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải sớm vào cuộc, bởi 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới chỉ có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ BHYT, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, để người dân đi khám bệnh thuận tiện ở bất cứ đâu.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần hướng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2015, cơ bản hoàn thành kết nối dữ liệu, bảo đảm liên thông hệ thống dữ liệu, kể cả thông tin về chi phí khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT, tiến tới vận hành cơ sở dữ liệu điện tử trong phạm vi cả nước và thay thế thẻ BHYT bằng thẻ điện tử…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2014 vừa qua, 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh, 61% bệnh viện tuyến huyện có ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện nhưng chưa kết nối hệ thống thông tin giữa các bệnh viện. Bộ Y tế đang triển khai thí điểm dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện, trong đó có nâng cấp phần mềm tin học quản lý bệnh viện tại 6 bệnh viện: Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế.
Chỉ có sự nỗ lực vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị mới có thể hoàn thành được mục tiêu 75% dân số có thẻ BHYT và tin học hóa toàn bộ hệ thống y tế vào cuối năm nay./.