(ĐCSVN) - Tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội xảy ra nhiều năm nay và đang là vấn đề “nóng”. Nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương đã khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, nhưng số tiền thu được vẫn chưa đủ giải quyết quyền lợi cho người lao động.
|
Tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội là vấn đề lớn đối với mỗi công nhân. Ảnh: Giang Huy |
Tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước đến các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có trên 300.000 doanh nghiệp hoạt động, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ quản lý được khoảng 150.000 đơn vị đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, nghĩa là có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tính đến cuối năm 2014, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội trên cả nước là 7.279 tỉ đồng.
Doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày càng nhiều. Ngoài nguyên nhân khách quan (do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động), còn lại là nguyên nhân chủ quan (do doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận và chế tài xử phạt việc nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội chưa thực sự khiến chủ sử dụng lao động phải lo lắng).
Trong những năm qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương đã tiến hành khởi kiện rất nhiều doanh nghiệp ra tòa, nhưng số tiền thu được vẫn chưa đủ giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016), với rất nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong đó, có quy định cơ quan bảo hiểm xã hội được trao quyền thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; cơ chế cung cấp thông tin việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, quyền lợi của người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội bị vi phạm nghiêm trọng, nhưng những chủ sử dụng lao động chỉ bị chịu chế tài xử lý hành chính và dân sự, còn chế tài hình sự thì chưa có.
Để lập lại kỷ cương trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, nên có thêm điều luật xử lý đối với hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Đây không phải là việc hình sự hóa quan hệ hành chính, dân sự, mà đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài nỗi khổ, sự thiệt thòi khi chủ sử dụng lao động nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang quan ngại khi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chế độ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội phương án sửa đổi Điều 60 theo hướng linh hoạt, cho phép người lao động tự lựa chọn giữa hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đã đóng để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu. Sau khi thảo luận với các Bộ, ngành, Chính phủ đã thống nhất kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60.
Việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa đổi cho thấy, quá trình soạn thảo Luật chưa khảo sát, nghiên cứu và đánh giá kỹ đặc thù của những ngành nghề, lĩnh vực mà người lao động đang làm việc để có những quy định sát thực tế hơn. Ban hành Luật đã khó, nhưng để Luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, không có khoảng trống và bảo vệ được quyền lợi của người lao động còn khó gấp nhiều lần.