|
Ảnh minh họa: KT |
Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
Thời gian gần đây, với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tại một số tỉnh khu vực phía Nam có tình trạng gia tăng số NLĐ đăng ký rút BHXH một lần.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Hiện tượng thu gom sổ BHXH như trên không phải bây giờ mới có, mà đã có tình trạng này từ lâu và Bộ LĐ-TB&XH đã và vẫn đang lên tiếng cảnh báo, tuyên truyền. Song, điều quan trọng nhất lúc này là cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an để xử lý, ngăn chặn tình trạng thu gom sổ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, cái gốc của vấn đề là chính sách hưởng BHXH một lần. Do NLĐ cần tiền nên các đối tượng đến thu gom. Chỉ cần nhìn trên sổ BHXH của NLĐ, các đối tượng thu gom sẽ tự tính toán được khi quyết toán hưởng BHXH một lần thì sẽ được bao nhiêu tiền, sau đó các đối tượng sẽ viết giấy vay nợ và thế chấp bằng sổ BHXH. Đến hạn trả tiền, các đối tượng yêu cầu NLĐ đi thanh quyết toán với cơ quan BHXH để hưởng trợ cấp một lần. Hiện, chúng ta đã rất khó khăn để thu hút được một người tham gia BHXH, nên tình trạng này đã khiến rất nhiều NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH.
Cũng về vấn đề này, chia sẻ và đồng cảm với NLĐ trong điều kiện cuộc sống hiện nay, song ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. “Kể cả khi họ có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích luỹ BHXH từ con số 0 và như vậy rất nhiều khả năng không thể tích luỹ đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu (thông thường thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 25 năm tích luỹ thời gian đóng BHXH, trường hợp làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian tích luỹ tối thiểu có thể chỉ là 15- 20 năm)” - ông nói.
Đặc biệt, theo ông, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân NLĐ, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. Nếu những NLĐ tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn tới sự phá vỡ hệ thống BHXH. Hệ quả tiêu cực của chính sách này là NLĐ ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích luỹ hưởng lương hưu; như vậy chỉ có CCVC hoặc một bộ phận lao động có điều kiện, có thu nhập cao mới đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu. Quan trọng hơn, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu NLĐ khi về già không có lương hưu.
Ngoài ra, do đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với Nhà nước, DN và xã hội để vượt qua thử thách này, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.
Kiểm soát chặt chẽ quy trình hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Trả lời về việc có thể siết chặt quy trình chi trả BHXH một lần hay không, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, trước đây quy trình rất chặt chẽ và hạn chế đối với việc rút BHXH để hưởng một lần. Tuy nhiên, do không ít NLĐ phản ứng, nên Quốc hội đã phải sửa Điều 60 Luật BHXH. Cái gốc của vấn đề là tình trạng tín dụng đen trong công nhân lao động, cho nên làm sao để NLĐ được vay tiền với lãi suất ưu đãi nhằm ngăn chặn tình trạng tình trạng bán sổ BHXH.
Trong khi đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần.
Việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.
Đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và trong dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của NLĐ. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách; tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ.
Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể: Sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách BH thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.
Còn nếu theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới bảo hiểm hưu trí vì mục tiêu an sinh xã hội dài hạn. Nhiều quốc gia đã hoàn toàn xóa bỏ BHXH một lần đối với tầng hưu trí cơ bản. Đây là kinh nghiệm quan trọng để chúng ta học hỏi thiết kế, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH./.