Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Thứ sáu, 27/03/2015 17:27

(ĐCSVN) - Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm, dù còn gặp một số lúng túng do việc ban hành văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành còn chậm và chưa đầy đủ, song việc thực chính sách cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội vẫn ổn định và không vướng mắc lớn.

 

Việc thực chính sách cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội
vẫn ổn định và không vướng mắc lớn
 

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 147.000 đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó có 127.000 đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chỉ có 42.752 đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tổng số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc khoảng 1.920.000 người, trong đó, số người giao kết hợp đồng lao động từ đủ 12- 36 tháng và không xác định thời hạn là 1.506.000 người nhưng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.076.599 người. Bên cạnh đó, số lượng người lao động thất nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký và nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2014 gia tăng nhiều hơn năm 2013. Cụ thể, thành phố đã tiếp nhận 33.901 người đăng ký thất nghiệp (tăng 26% so với năm 2013, tăng 37,7% so với 2012) và đã có 30.723 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 461 tỷ đồng. Đặc biệt, số người đăng ký thất nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 19.376 (tăng 33,3%) so với 6 tháng đầu năm.

Theo bà Phạm Thị Thêu, Phó Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội), đa số lao động đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông thuộc các ngành sản xuất, như: Sản xuất chế biến, lắp ráp điện tử, may mặc, xây dựng, bán hàng siêu thị… Số người thất nghiệp tập trung ở độ tuổi lao động từ 25- 40 tuổi (chiếm 72%), trong đó lao động nữ chiếm 54%. Lao động chất lượng cao có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng trên 9 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5% so với tổng lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Mặt khác, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp lần 2, lần 3 ngày càng nhiều, tính phức tạp trong thực thi chính sách tăng do thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ngày càng dài dẫn đến việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp gặp một số khó khăn nhất định”- bà Thêu nhận định.

 
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội 

Đánh giá kết quả giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: Trong năm 2014, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và khu vực dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, chuyển đổi loại hình kinh doanh, cắt giảm lao động, người lao động không thể tiếp tục công việc do đơn vị di chuyển địa điểm làm việc xa như: 500 lao động của Công ty TNHH may mặc Macallan phải nghỉ việc do di chuyển chỗ làm; 100 lao động tại Tổng Công ty CP XNK mỏ Việt Bắc; 100 lao động Công ty CP Viglacera phải nghỉ việc… Đặc biệt, vào thời điểm những tháng cuối năm, người lao động hết hạn hợp đồng lao động và có xu hướng chuyển về địa phương sinh sống, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân… dẫn đến lao động thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội gia tăng nhiều hơn năm 2013.

Số người được tư vấn giới thiệu việc làm trong năm qua là 31.267 người (chiếm 94,63% tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Toàn Thành phố chỉ có 5,37% người lao động không có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm do họ có nhu cầu chuyển việc, người lao động đã lớn tuổi xin thôi việc chờ hưởng chế độ hưu trí… Tuy nhiên, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được giới thiệu việc làm mới chiếm 4,1% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn (1.283 người).

Cùng với đó, cũng chỉ có 395 lao động nhận quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền trên 600 triệu đồng (bằng 38,16% so với 2013). “Số người được hỗ trợ học nghề giảm là do Chính phủ thay đổi về mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên quy trình đào tạo và thủ tục thanh quyết toán chi phí đào tạo nghề cho người lao động phải đợi hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan làm hạn chế kết quả đào tạo nghề”- bà Thêu khẳng định.

Cũng theo bà Thêu, đến hết tháng 2/2015, số người đăng ký và nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội là 5.293 người; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 5.141 người. Số người có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ 6- 9 triệu đồng là trên 172 người; trên 9 triệu đồng/tháng là 254 người. Đáng chú ý, số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần là 1.749 người. Điều này do đây vừa là thời điểm đầu năm và cũng trùng với dịp Tết nguyên đán nên người lao động vẫn tập trung làm việc để nhận lương, thưởng dịp Tết, hơn nữa, Luật Việc làm có hiệu lực, người lao động thực sự mất việc mới đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời sau ngày 1/1/2015 sẽ không còn chế độ người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp “một lần” cho những tháng còn lại sau khi tìm được việc làm mới nên người lao động không mặn mà…

Đề cập những trường hợp người lao động có việc làm mà không thông báo với Trung tâm Giới thiệu việc làm để dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Thêu cho rằng, Trung tâm không có cách nào để phát hiện và cơ quan BHXH vẫn chi trả cho những người lao động này. Những trường hợp này, khi tham gia đóng BHXH của lần tiếp theo do có việc làm mới thì cơ quan BHXH sẽ rà soát, phát hiện và thông báo với Trung tâm ngay để cắt, thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực