(ĐCSVN) - Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Việc nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến ở nhiều loại hình doanh nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Theo ông Lê Trọng Sang Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, để tham gia giải quyết và hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, thời gian qua Tổng Liên đoàn đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Từ cuối năm 2008, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có Báo cáo 88/BC-TLĐ ngày 27/11/2008 gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về tình hình một số chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... bỏ trốn về nước, nợ tiền lương và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; Công văn số 67/TLĐ ngày 15/1/2009 gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp xem xét việc bổ sung quy định về xử phạt hình sự đối với các hành vi nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một số liên đoàn lao động tỉnh đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phản ánh và đề nghị với các cơ quan chức năng có giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động khi hằng tháng người sử dụng lao động vẫn trích đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động nhưng lại không nộp về Quỹ bảo hiểm xã hội. Vấn đề này, đã được cơ quan chức năng xem xét, nhưng chưa giải quyết triệt để.
Hiện nay, để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, bên cạnh việc chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội thì Tổng Liên đoàn tập trung triển khai ba hoạt động chính là: Tăng cường phối hợp bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra về bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (đã thực hiện từ năm 2012 đến nay; năm 2015 dự kiến kiểm tra tại 3 tỉnh Sơn La, Quảng Bình và Vĩnh Long); Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra liên ngành về pháp luật lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội (thực hiện từ năm 2014, trong năm 2015 dự kiến 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 3 tỉnh); Tiếp tục triển khai thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (thực hiện từ năm 2014, năm 2015 tiếp tục giám sát tại 5 tỉnh).
Trước thực trạng doanh nghiệp vi phạm bảo hiểm xã hội và nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, từ năm 2008, một số liên đoàn lao động tỉnh đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh hoặc trực tiếp khởi kiện và hướng dẫn người lao động lập hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội ra tòa như Liên đoàn lao động huyện Long Thành (Đồng Nai), Liên đoàn lao động quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, do không nắm được số doanh nghiệp, số người tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cũng như số lãi chậm đóng như cơ quan bảo hiểm xã hội nên số lượng liên đoàn lao động khởi kiện doanh nghiệp chưa nhiều. Việc khởi kiện vẫn còn khó khăn về thủ tục và thời gian nộp hồ sơ, đặc biệt đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp sau khi tòa xử xong nhưng không có tài sản để thi hành án nên khoản nợ Bảo hiểm xã hội vẫn cứ “treo” và quyền lợi của người lao động vẫn không được giải quyết.
Trên cơ sở kiến nghị của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các bộ, ngành, Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi năm 2014 đã bổ sung quy định cho tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động ra tòa nếu vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Để thực hiện được quyền và trách nhiệm này, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo việc xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với Tòa án nhân dân Tối cao; trong đó, có việc hướng dẫn các cấp Công đoàn quy trình khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội ra tòa. Trên cơ sở quy trình khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật, Tổng Liên đoàn sẽ tập huấn cho các cấp công đoàn. Hi vọng đến năm 2016, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thì tổ chức Công đoàn sẽ làm tốt vai trò và trách nhiệm này góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi Bảo hiểm xã hội của người lao động.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm hàng đầu để giúp người lao động hiểu rõ để tự bảo vệ quyền lợi của mình, ngay sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Tổng Liên đoàn đã in khoảng 10.000 cuốn sách về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế để cung cấp cho Công đoàn các cấp và Liên đoàn lao động để nghiên cứu, tìm hiểu những quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn những nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cho cán bộ Công đoàn 63 tỉnh, thành và 20 công đoàn ngành, tổng Công ty. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng chỉ đạo hệ thống báo chí Công đoàn và phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu Luật Bảo hiểm xã hội trong năm 2015 đến người lao động và cán bộ công đoàn các cấp.
Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật Bảo hiểm xã hội để nhanh chóng đưa Luật Bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động./.