(ĐCSVN) – Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động.
Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách BHXH một lần trong Luật BHXH (2006) dẫn đến hằng năm số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần (gấp 4,4 lần số người hưởng lương hưu hằng tháng), chiếm tỷ lệ 80% tổng số người được giải quyết chế độ BHXH, chủ yếu là người lao động có thời gian tham gia BHXH từ 1 năm đến 3 năm (chiếm 72%), tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, ở các ngành, nghề như dệt may, da giày và khu công nghiệp tập trung, số lượng người xin hưởng BHXH một lần cao hơn.
|
Trước mắt cho phép người lao động được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Ảnh: Hà Phương |
Tình hình trên ngoài những nguyên nhân như đã nêu trong Báo cáo Chính phủ còn do sự thiếu ổn định của thị trường lao động và tâm lý người lao động muốn nhận lại khoản tiền BHXH để giải quyết khó khăn trước mắt, tình trạng này cũng làm ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm, chất lượng nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, tại thời điểm ban hành Luật BHXH (2006), Nhà nước chưa thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (triển khai từ năm 2009) và chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (triển khai từ năm 2008). Trên cơ sở các chính sách mới được sửa đổi, bổ sung đó là, người lao động khi thất nghiệp, mất việc làm thì được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động và trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật việc làm, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại dự thảo Luật BHXH (2014) nhằm giảm số lượng người lao động sau 01 năm nghỉ việc nhận BHXH một lần để đảm bảo mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết rủi ro cho người lao động khi về già nhằm thực hiện quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 .
Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thu hẹp điều kiện cho phép hưởng BHXH một lần như Luật BHXH (2014) là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Theo Hiệp hội an sinh quốc tế (ISSA) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo như Điều 60, Luật BHXH (2014) đã quy định.
Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng cho bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tỷ lệ đóng 14% của người sử dụng lao động được hạch toán vào giá thành, chi phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (25%), thực chất là ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,5% mức đóng góp cho chính sách bảo hiểm hưu trí, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp để bảo đảm an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Ngay sau khi diễn ra ngừng việc tập thể, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã theo dõi thường xuyên, nắm tình hình và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí giải thích chính sách dựa trên quan điểm, mục tiêu của Đảng và quy định của Hiến pháp.
Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH.
Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu). Để tổ chức thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan BHXH các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến và giải thích đúng bản chất, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm của chính sách BHXH – chính sách trụ cột của an sinh xã hội nhằm tăng số lượng người lao động tham gia BHXH theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2020 (50% lực lượng lao động);
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chính sách, pháp luật BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom Sổ BHXH của người lao động gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần; các tổ chức thực hiện chính sách cần tư vấn, giải thích cho người lao động hiểu đầy đủ các chính sách như bảo lưu, cộng dồn, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước nếu không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp,... để người lao động có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của họ./.