(ĐCSVN) – Dù bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách lớn liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu lao động, nhưng trên thực tế, tình trạng chủ doanh nghiệp nợ hoặc đóng một cách đối phó, thậm chí là dùng tiền đóng BHXH vào việc khác vẫn diễn ra thường xuyên ở mức độ đáng báo động.
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, dù nợ đọng giảm nhưng tổng nợ BHXH hiện vẫn trên 5.500 tỉ đồng, trong đó khoảng 600 - 800 tỉ nợ dai dẳng, chưa có biện pháp xử lý.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, lẽ ra, cả nước phải có trên 16 triệu lao động tham gia BHXH, nhưng hiện mới có khoảng 10,5 triệu lao động đóng BHXH, vẫn còn khoảng 5,5 triệu người thuộc diện phải tham gia nhưng vẫn đứng ngoài BHXH. Đáng chú ý, với số nợ BHXH tăng đều qua các năm, an toàn của quỹ BHXH và quyền lợi của hàng triệu người lao động đang bị ảnh hưởng.
Tại buổi sơ kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH diễn ra mới đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cho hay, gần như 100% doanh nghiệp đều chậm đóng BHXH. Có doanh nghiệp 900 lao động nhưng chỉ đóng BHXH cho 130 người. Có nơi lao động đã đóng tiền BHXH rồi, nhưng doanh nghiệp sử dụng vào việc khác.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng cung cấp thông tin, ở hầu hết các địa phương đều có doanh nghiệp ký hợp đồng lao động dưới ba tháng, ký nhiều lần để trốn đóng BHXH. Còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp đóng BHXH với mức tiền công và tiền lương thấp hơn so với thực tế. Nhiều doanh nghiệp trích tiền lương, tiền công của người lao động nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH, mà lại dùng vào việc mua nguyên vật liệu, vật tư, thậm chí dùng chính số tiền đóng BHXH để… trả lương cho người lao động. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 23/68 doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động sử dụng vào mục đích khác với số tiền trên 32 tỷ đồng.
Kết quả Chương trình phối hợp giám sát liên ngành giữa 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam liên quan đến thực hiện pháp luật về BHXH năm 2014 ở các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang đã phát hiện số nợ BHXH trên 520 tỷ đồng của 152.565 người lao động làm việc tại 5.272 đơn vị (tính đến tháng 9/2014).
Tại 12 doanh nghiệp thuộc 4 tỉnh mà đoàn làm việc gồm: 2 doanh nghiệp FDI, 5 doanh nghiệp TNHH, 5 doanh nghiệp cổ phần, có 7/12 doanh nghiệp chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia BHXH đầy đủ, kịp thời cho người lao động. 4/12 doanh nghiệp đóng chậm, thiếu tiền BHXH với số tiền lớn và thời gian dài. 8/12 doanh nghiệp thường đóng chậm từ 1-2 tháng chưa đúng quy định. 11/12 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Từ tháng 1/2013 đến thời điểm giám sát (từ ngày 21 đến 31/10/2014), tổng số nợ BHXH của 12 doanh nghiệp là trên 7,1 tỷ đồng…
|
Thực hiện đóng BHXH đầy đủ cho người lao động là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp – Ảnh: Minh Châu |
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính - Trưởng đoàn liên ngành đánh giá, số nợ BHXH này so với quy mô doanh nghiệp và số lao động trên địa bàn các tỉnh là tương đối lớn. Sai phạm được phát hiện thì có nhiều, nhưng đáng nói là cơ quan quản lý không nắm được số lao động của các doanh nghiệp. Ví dụ như: Doanh nghiệp có 1.000 lao động, họ khai chỉ có 500 lao động và đóng BHXH cho 500 người này, còn 500 lao động còn lại họ né tránh, không đóng BHXH thì không biết được - ông Mai Đức Chính nêu thực tế.
Dù thời gian tiến hành giám sát không lâu, lại chỉ diễn ra ở 4 tỉnh, nhưng nhờ có đoàn giám sát liên ngành, một số doanh nghiệp đã “tự giác” đóng BHXH cho người lao động, giúp thu về cho quỹ trên 7 tỷ đồng. Đơn cử như: Công ty Cổ phần May Bắc Giang đã nộp tiền BHXH của tháng 9/2014 cho 10.000 lao động, tương đương với 6 tỷ đồng trước khi đoàn đến giám sát. Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC nộp 1,8 tỷ đồng ngay sau hôm đoàn kết thúc giám sát!
Từ báo cáo kết quả của đoàn giám sát liên ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Trước đó, ngày 7/4, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi Bộ Luật hình sự (BLHS), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin, trong số những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định là tội phạm với hành vi trốn đóng BHXH, gian lận BHXH của người lao động.
Tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nêu quan điểm, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn cùng các ngành chức năng để thu hồi nợ đọng BHXH. Tổ chức Công đoàn cần phát huy vai trò tích cực trong khởi kiện doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động. Vụ nào liên quan đến hình sự thì kiến nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý./.