Ý kiến người dân xung quanh Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Thứ sáu, 29/05/2015 11:24

(ĐCSVN) - Trong không khí tranh luận khá gay gắt trên nghị trường Quốc hội (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII) xung quanh việc ủng hộ hay không ủng hộ Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến, tâm tư của người dân về vấn đề này.

* Chị Trần Thị Giang, 28 tuổi, giáo viên mầm non, ở Mai Trung, Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Tôi nghĩ, những điều luật mới, những quy định mới ra đời chắc chắn phải có những ưu điểm mới và phù hợp hơn với thực tiễn so với các điều luật cũ. Quy định của Điều 60, Luật Bảo hiểm năm 2014 là khuyến khích người lao động (NLĐ) khi bị nghỉ việc hoặc chuyển chỗ làm thì bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để có thể hưởng lương hưu thay vì nhận một lúc; khi họ trở lại làm việc mà thuộc diện bắt buộc đóng BHXH thì vẫn được cộng dồn thời gian đã tham gia để hưởng lương sau này, thậm chí chưa đủ thời gian thì họ có thể tham gia BHXH tự nguyện. Tôi thấy các điểm này rất ưu việt và có hướng mở hơn nhiều so điều luật cũ.

Chị Trần Thị Giang.


Hơn nữa, theo Luật mới, Chính phủ còn có phương thức hỗ trợ NLĐ tiếp tục tham gia BHXH. Việc này chẳng phải tạo điều kiện cho NLĐ hết tuổi lao động, có điều kiện nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống tuổi già hay sao? Luật cũ thì quy định NLĐ chỉ hưởng chế độ BHXH một lần, luật mới cho phép NLĐ chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động được thêm nhiều quyền lợi như: Hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm mới… Một bên là lợi ích lâu dài, một bên là lợi ích trước mắt, rõ ràng là khác nhau cơ bản.

* Chị Nguyễn Thị Thỏa, sinh năm 1980, ở xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), hiện đang làm công nhân trong một nhà máy cáp điện, thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Người lao động trong các công ty tư nhân như chúng tôi chủ yếu là lao động hợp đồng ngắn hạn, thời vụ. Chỉ cần doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi mà phá sản, chúng tôi sẽ lập tức mất việc. Khi đó, ở tuổi chúng tôi tìm được việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH rất khó khăn, phần nhiều phải quay về quê làm nông nghiệp và tăng gia chăn nuôi, không có điều kiện đóng bảo hiểm nữa. Việc lấy bảo hiểm một lần sẽ đảm bảo quyền lợi cho những trường hợp như chúng tôi.

Theo Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tôi sẽ thuộc trường hợp bảo lưu thời gian tham gia BHXH để khi có việc làm mới, đóng tiếp cho đến khi đủ thời gian để hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện rút tiền, là chuyện quá xa vời. Có chăng, quy định này chỉ phù hợp với người làm trong nhà nước, hoặc làm việc lâu dài trong các doanh nghiệp, còn người lao động hợp đồng ngắn hạn vài năm sẽ thiệt thòi, bởi họ vừa mất việc, vừa bị giữ bảo hiểm đến gần cuối đời mới được lĩnh.

* Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, 26 tuổi, ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), hiện đang làm công nhân may tại một nhà máy thuộc KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Theo tôi, trước tiên, luật pháp có đi vào cuộc sống hay không thì cần bám sát với thực tế đời sống. Tiền đóng bảo hiểm là của NLĐ thì nên để họ quyết định. Việc đóng bảo hiểm 30 năm sau để có lương hưu, dường như khó tưởng, có chăng chỉ là những lao động dài hạn trong nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân, ngay cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với kinh tế như hiện nay, tôi thấy nhiều công ty không trụ nổi qua được 30 năm đã phải giải tán. Theo tôi, việc quy định thời gian và lựa chọn như Luật cũ (Luật BHXH 2006) là ổn thỏa nhất. Tuy nhiên, có thể bổ sung điều khoản mới để cho phù hợp với những người có nhu cầu và khả năng theo bảo hiểm để có lương hưu khi về già. Mặt khác, lĩnh một lần hay hưởng hưu trí là do NLĐ tự quyết định, chứ BHXH không nên "ép buộc" họ, vì BHXH không thể là người đóng tiền thay thế cho họ.

* Anh Lương Ngọc Thắng, sinh năm 1984, Bí thư Đoàn xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ): Theo tôi, bản chất của Luật không sai, vấn đề là nó có phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại hay không mà thôi. Tôi thấy ở một số nước phát triển trên thế giới, họ đang áp dụng chế độ bảo hiểm như Điều 60, Luật Bảo hiểm 2014 của ta. Tuy nhiên, nếu so sánh về thu nhập cũng như điều kiện kinh tế thì là sự khập khiễng quá lớn. Hơn nữa, với NLĐ, việc làm không phải lúc nào cũng ổn định, nên khó tránh khỏi thay đổi chỗ làm, thậm chí mất việc… từ đó, dẫn đến số NLĐ quyết tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài rất ít. Chính vì vậy, tôi nghĩ, trước khi đưa điều luật này vào cuộc sống, sự lắng nghe của các nhà làm luật đối với những người có quyền lợi ảnh hưởng liên quan là đặc biệt quan trọng.

Người đóng bảo hiểm có quyền lựa chọn hoặc định đoạt quyền lợi của chính mình, do mình đóng góp tích lũy được là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, để phù hợp với tình hình thực tiễn, Luật BHXH phải phản ánh và đáp ứng thỏa mãn với hoàn cảnh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

*
Anh Đỗ Đình Sáng, sinh năm 1987, công tác tại trường Đại học Thành Đô, đóng tại Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, quy định như Điều 60, Luật BHXH 2014 là hợp lý. NLĐ không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như luật cũ mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm… Đến khi NLĐ trở lại làm việc, thời gian đóng BHXH sẽ được cộng dồn, tích lũy đủ đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương theo quy định.

Anh Đỗ Đình Sáng


Quan điểm của tôi, Luật mới (Điều 60) đang mở ra cho người lao động nhiều cơ hội để kiến tạo tương lai sau này, ví dụ như: Khi về già sẽ có đồng lương, cuộc sống thảnh thơi hơn và ít phụ thuộc vào con cái, từ đó sẽ có cơ hội an nhàn tuổi già.

Còn việc hưởng chế độ một lần chỉ là cái lợi trước mắt. Ví dụ như ở gần nhà tôi, có một trường hợp trước đây nhận tiền "một cục" theo Chế độ 176 (Quyết định 176-HĐBT năm 1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh). Thời điểm đó, đa số NLĐ muốn hưởng chế độ một lần, lúc đó đồng tiền có giá trị, lại nhận một cục tiền như một khối tài sản không nhỏ. Tuy nhiên, đến nay mới thấy, cuộc sống của những người nhận tiền một lần ngày đó vẫn khó khăn hơn những người không nhận tiền, khi ít nhất họ đang có đồng lương hưu.

* Ông Nguyễn Văn Bảo, sinh năm 1946, ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái): Theo tôi, nên cho chọn cả hai phương án: Hưởng một lần và lĩnh lương hưu. Làm được như vậy, việc áp dụng luật sẽ đảm bảo độ linh hoạt và phù hợp với mọi đối tượng cũng như hoàn cảnh thực tế xã hội của nước ta hiện nay.

Còn như Điều 60, Luật BHXH 2014, theo tôi rõ ràng là bất cập. Từ đó nó sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó giải quyết. Ví dụ như: Một công nhân làm ăn xa quê, họ muốn dành dụm chút vốn về gây dựng cơ nghiệp ở quê hương thì đó là điều chính đáng. Nếu không cho rút chế độ một lần mà chờ đến gần cuối đời mới rút được, rõ ràng họ bị thiệt thòi. Rồi một người tuy đóng bảo hiểm đã lâu năm, nhưng bất ngờ họ bị ốm đau hoạn nạn chẳng hạn và không thuộc các trường hợp được rút theo qui định của Điều 60, thì họ cũng bị thiệt. Đó là chưa bàn tới thu nhập của công nhân ở nước ta mức sàn còn thấp thì lấy gì mà tích lũy, công việc thì luôn trạng thái bấp bênh, làm được đồng nào chắt bóp chi tiêu, số còn lại gửi về quê trang trải cho gia đình, con cái…

Còn với những người thu nhập tạm gọi khá hơn mức sàn, theo tôi, họ có nhu cầu tích lũy để được hưởng chế độ lương hưu là điều chính đáng. Chính vì vậy, Luật cũng phải có hướng mở để đáp ứng nhu cầu của họ.

* Ông Nguyễn Tiến Hóa, sinh năm 1957, ở phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Tôi thấy Điều 60 của Luật BHXH 2014 nên sửa, vì chưa thực sự phù hợp. Có những người 5 năm nữa là về hưu chẳng hạn, nhưng họ mới có dưới 15 năm đóng BHXH, họ có làm việc tiếp 5 năm nữa thì cũng không đủ 20 năm. Vậy trước sau gì họ cũng chọn phương án nhận một lần (nếu họ không đóng BHXH tự nguyện), nên bắt họ phải chờ đủ tuổi để lấy tiền một lần là điều chưa hợp lý..../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực