Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: ĐT
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính xem xét lại giá dịch vụ y tế (DVYT) ban hành tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế. Trước đây, giá DVYT quá thấp, nhiều năm không điều chỉnh, nhưng khi điều chỉnh tại Thông tư 37 thì lại quá đà, đặc biệt lưu ý nhóm DVYT kỹ thuật cao, nhất là giá dịch vụ sử dụng thiết bị y tế xã hội hóa không để cao hơn giá trị thực.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Báo cáo về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại Thông tư 37, Bộ Y tế cho hay, Thông tư 37 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ; góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng, …).
Thực tế thực hiện có một số đơn vị có lượt khám bệnh/01 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (tuyến huyện do thông tuyến từ 01/01/2016); một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá. BHXH Việt Nam cho rằng các đơn vị này chỉ định người bệnh điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ BHYT, có công văn 5040/BHXH-CSYT ngày 10/11/2017, công văn 644/BHXH-CSYT ngày 27/02/2018 đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70%-80% mức giá hiện nay.
Thông tư 37 là do Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành, dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật được liên bộ khảo sát, xây dựng, có Hội đồng thẩm định, Bộ Y tế ban hành theo đúng trình tự quy định tại Thông tư 25 của Bộ Tài chính về phương pháp xây dựng giá, tại Nghị định 177 hướng dẫn Luật giá.
Nguyên nhân cơ bản gây bội chi Quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB vì: mức đóng trước đây là 3% lương phù hợp với mức thu một phần viện phí; mức đóng 4,5% lương phù hợp với mức giá chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương. Khi xây dựng và ban hành Luật BHYT cũng đã tính toán và dự báo mức đóng phải là 6% lương thì mới phù hợp với mức giá tính đủ chi phí nên đã quy định mức đóng tối đa là 6% lương (nhiều nước có thu nhâp rất cao nhưng mức đóng BHYT cũng từ 9-13% lương).
Do chưa điều chỉnh mức đóng BHYT nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá, ví dụ như giá khám bệnh và một số dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi do công suất tăng, một số xét nghiệm có chi phí vật tư giảm do đấu thầu.
Bộ Y tế và Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc họp để bàn và triển khai việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37.
Sau cuộc họp, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất quá trình sửa đổi Thông tư được đề xuất tiến hành theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ hoàn tất trong tháng 5/2018, hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi TMH) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá theo Thông báo kết luận số 798/TB-BYT-BHXH ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng và Tổng giám đốc BHXH Việt Nam; Biên bản số 1135/BB-BYT ngày 24/10/2017 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Thời điểm thực hiện kể từ 01/01/2017.
Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.
Giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tính ngày điều trị nội trú theo hướng: (1) các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới, chuyển sang cơ sở khác; số ngày điều trị = ngày ra – ngày vào + 1; (2) còn các trường hợp còn lại số ngày điều trị = ngày ra – ngày vào; quy định giường điều trị ban ngày.
Đồng ý với đề xuất này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải hoàn tất giai đoạn 1 của việc sửa đổi Thông tư 37 trước ngày 15/5/2018.
Về cơ cấu giá điều chỉnh, Bộ trưởng cho rằng cơ cấu giá điều chỉnh vẫn bao gồm: chi phí trực tiếp và tiền lương để đồng nhất cơ cấu giá quy định tại Thông tư 37; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Do đó chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin.
Quý I/2018 có 14 tỉnh thực hiện giá KCB có tiền lương cho đối tượng không có BHYT, làm CPI tăng 1,32% so với cùng kỳ, tăng 0,09% so với 12/2017.
Từ 01/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá KCB, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng), và chi phí quản lý.
Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Đề cập tác động đến Quỹ BHYT, Bộ Y tế cho hay, sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi Quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020./.