Nâng cao trách nhiệm tham gia BHYT của sinh viên

Thứ ba, 25/10/2016 15:37
(ĐCSVN) - Bộ GD-ĐT vừa đưa trách nhiệm tham gia BHYT của SV vào Quy chế công tác SV ĐH chính quy, thay thế cho quy định từ năm 2007. Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ tin tưởng, điểm mới này chính là cơ sở quan trọng để các trường quyết tâm đạt tỷ lệ 100% số SV tham gia BHYT trong năm học 2016-2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: TH

Mỗi trường “một kiểu”

Năm học vừa qua, trong khi cả nước có hơn 90% số HS tham gia BHYT thì tỷ lệ SV ở các trường ĐH, CĐ có thẻ BHYT lại khá thấp, dưới 80%.

Phần lớn SV tham gia BHYT chỉ tập trung ở năm đầu, từ năm thứ hai trở đi, nhiều em khá “thờ ơ” với chính sách này. Dù Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ tăng cường triển khai công tác này, nhưng kết quả chưa nhiều chuyển biến.

TS.Nguyễn Quang Liệu- Trưởng phòng Chính trị và Công tác SV ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là thực trạng chung của nhiều trường ĐH, CĐ. Trước đây, Bộ GD-ĐT không đưa ra một quy định cụ thể nào cho các trường về việc SV tham gia BHYT nên các trường có những cách xử lý khác nhau. Như năm học 2015-2016, có cơ sở đào tạo chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, khiển trách; có trường cảnh cáo, trừ điểm rèn luyện, nhưng cũng có trường thông báo sẽ dừng một học kỳ nếu SV không đóng BHYT.

Không sử dụng các hình thức kỷ luật, Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhiều năm qua lại có “bí quyết” riêng để tăng tỷ lệ SV tham gia BHYT. Từ các năm học trước, trường này đã đưa BHYT vào danh sách các khoản tiền tân SV phải đóng khi nhập học. Còn với các SV từ năm thứ hai trở đi, đầu mỗi học kỳ, nhà trường đều thông báo thu học phí đào tạo (bao gồm cả phí BHYT), SV phải chấp hành.

Nhờ vậy, năm học 2015-2016, Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội vẫn tiếp tục đạt tỷ lệ 99% SV tham gia BHYT; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 98,87%. Riêng SV năm thứ nhất của cả 2 trường, tất cả đều có thẻ BHYT.

Giảng viên Nguyễn Minh Phương- Bí thư Đoàn Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: “Học viên của nhà trường rất đa dạng, từ HS vừa tốt nghiệp lớp 9 đến những người trung tuổi có nhu cầu học nghề. Tuy nhận thức của các đối tượng khác nhau, nhưng nhiều năm liền Trường đã có “truyền thống” thực hiện BHYT đạt kết quả tốt. Số SV còn lại chưa có thẻ BHYT chủ yếu do các em chưa xác định được việc học ở đây lâu dài, đợi cơ hội là chuyển sang trường khác học”.

Nâng cao tính tự giác của Sinh viên

Để tránh tình trạng mỗi trường thực hiện một kiểu, ngày 5/4/2016, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT, trong đó quy định cụ thể SV phải đóng BHYT đầy đủ, đúng thời gian; đồng thời đưa ra khung hình phạt kèm theo nếu SV không thực hiện. Với quy định này, nhiều lãnh đạo nhà trường tin tưởng sẽ không còn “khoảng trống” SV chưa tham gia BHYT như các năm học trước đây.

TS.Nguyễn Quang Liệu nhận định: “Quy định đó của Bộ GD-ĐT các trường đều phải nghiêm túc thực hiện. Nếu không thực hiện có nghĩa nhà trường, SV vi phạm và sẽ chịu mức xử lý mà Bộ đã quy định rõ trong Quy chế”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Cái đích mà các trường cần hướng tới là tuyên truyền nâng cao nhận thức để người học tự giác tham gia BHYT.

Một trong những nguyên nhân khiến BHYT chưa thuyết phục được tất cả người học là do một số trường và thầy cô chưa trao đổi đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT cho các em. “Việc bỏ số tiền hơn 400.000 đồng đóng BHYT không phải là quá khó với SV. Nhưng vấn đề là các em đã hiểu chưa, ai làm cho các em hiểu việc đóng BHYT không phải chỉ vì mình mà còn vì cộng đồng?”- TS.Nguyễn Quang Liệu nhấn mạnh.

Vì vậy, theo TS.Nguyễn Quang Liệu, các nhà trường phải tăng cường tuyên truyền, trong đó kênh hiệu quả nhất là vận động, giải thích cho các em hiểu về BHYT ngay từ tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa và thông qua các đợt sinh hoạt đoàn thể; tuyên truyền ngay trong chính đội ngũ giảng viên. Nên đưa ra những trường hợp SV trong trường mắc bệnh hiểm nghèo, hay tai nạn… đã được quỹ BHYT chi trả cao để chứng minh cho ý nghĩa của BHYT. Đó sẽ là động lực để thúc đẩy các SV khác tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, các nhà trường còn cần làm tốt công tác CSSKBĐ cho SV và quan tâm góp phần đảm bảo quyền lợi BHYT cho các em khi các em đi KCB. Tại ĐH khoa học xã hội & nhân văn (KHXH&NV), không chỉ được thăm khám tại trạm y tế tại trường, SV còn được KCB BHYT tại bệnh viện đại học quốc gia (ĐHQG) được đầu tư với quy mô lớn. Đã có trường hợp SV mắc bệnh trọng nhưng mất thẻ BHYT được cán bộ nhà trường nhanh chóng liên hệ cơ quan BHXH giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi BHYT cho các em. “Vì vậy mà niềm tin của các em vào tấm thẻ BHYT ngày càng được khẳng định. Theo đó tỷ lệ tham gia BHYT SV của trường ngày càng cao. Ở năm học này, tin chắc rằng trường sẽ đạt 100% SV tham gia BHYT”, ông Liệu nhấn mạnh./.

Thanh Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực