Theo chia sẻ của ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam): Nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng xuyên suốt. Trong quá trình hoạt động của ngành BHXH cũng luôn nhận được sự quan tâm tập trung chỉ đạo lãnh đạo của ngành.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Thời gian qua, BHXH đã đạt được một số kết quả quan trọng: Chỉ tiêu số người tham gia BHXH tăng hằng năm, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu tính 5 năm trở lại đây, từ năm 2014, hằng năm số người tham gia BHXH tăng bình quân hơn 5,8%. Về BHXH tự nguyện có tốc độ tăng lớn hơn. Số người tham gia BHXH bắt buộc tính đến tháng 9-2019 là hơn 15.200.000 người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc hơn 14.700.000 người, tăng hơn 2,2% so với 2018; BHXH tự nguyện hơn 463.000 người, tăng mạnh so với 2018, tăng 6.7%.
Ông Đinh Duy Hung cho hay, trong quá trình triển khai mở rộng đối tượng người tham gia BHXH tự nguyện, gặp khó khăn bất cập như: Đầu tiên, nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện. Để người dân tham gia BHXH tự nguyện thì người dân cần biết chính sách, ý nghĩa tác dụng của chính sách, quyền lợi của họ khi tham gia BHXH tự nguyện. Thí dụ, chính sách lương hưu, chính sách quyền lợi BHYT khi hưởng lương lưu, mức đóng, số tiền phải đóng, cách thức thực hiện… Rõ ràng, hiểu biết về chính sách về BHXH cũng như cách tổ chức thực hiện còn có bất cập. Đó là vấn đề đặt ra với công tác truyền thông, tuyên truyền của ngành BHXH và các cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Thứ hai, khả năng tham gia đóng góp của người dân còn có mức độ. Mặc dù, mức đóng theo BHXH tự nguyện theo Luật BHXH mới đã hạ xuống mức khá thấp, bằng 22% bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn hiện nay là bảy trăm nghìn đồng. Như vậy, mỗi người/tháng chỉ phải đóng 154 nghìn đồng/tháng (chưa tính mức trừ hỗ trợ của ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân ở nhiều khu vực, với mức đóng này còn là khoản đáng kể với thu nhập của họ.
Thứ ba, phải kể đến sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện mà các khách mời vừa đề cập, trong đó có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Thí dụ như, BHYT khi hưởng lương hưu tương ứng số năm đóng BHXH cũng dài, khoảng 20 năm; phải đủ tuổi nghỉ hưu như BHXH bắt buộc… Điều này khiến cho BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn.
Một khó khăn bất cập nữa trong việc thực hiện là việc tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện mất nhiều thời gian, công sức. Người đi tuyên truyền, vận động cũng phải được đào tạo bài bản, toàn diện về kiến thức, hiểu biết, nắm vững chính sách BHXH, cách thức tiếp cận người dân. Thí dụ như, hiện nay, chúng tôi có nhân viên đại lý thu, trực tiếp vận động người dân tham gia BHXH thì số lượng lên tới hơn 50 nghìn người, gấp 10 lần số người làm công tác thu của ngành BXHH, vì thế khối lượng, công sức bỏ ra không hề nhỏ.
Về chính sách hỗ trợ với người dân thuộc diện chính sách tham gia BHXH tự nguyện, ông Đinh Duy Hùng cho biết, trong vấn đề hỗ trợ của ngân sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện về cơ bản không có vướng mắc lớn, tuy nhiên những khó khăn, bất cập, vướng mắc nhỏ như việc hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện có hộ khẩu tại một tỉnh nhưng tham gia BHXH tại tỉnh khác. Vướng mắc này đã được báo cáo lên Bộ Tài chính để có văn bản chỉ đạo kịp thời Sở Tài chính các tỉnh chuyển tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện theo đúng quy định.
Đến nay, các vướng mắc như vậy đã được tháo gỡ, nhưng vẫn còn một số địa phương đang lúng túng trong thực hiện. BHXH đang theo dõi để hỗ trợ và có ý kiến với Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng nêu trên./.