Thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT

Thứ sáu, 05/04/2019 14:13
(ĐCSVN) - Ngày 4/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT tháng 4/2019 tại 63 điểm cầu địa phương

Nợ BHXH trong toàn quốc lên tới 17.400 tỉ đồng

Báo cáo tình hình thực hiện công tác thu 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, cả nước hiện có 14,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 93,4% kế hoạch (giảm 156.000 người so với năm 2018). Trong đó, các tỉnh giảm nhiều như: Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Trà Vinh. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH giảm mạnh, là do một số DN lớn cắt giảm lao động, đơn cử Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong giảm 10.142 lao động...

Phó Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại điểm cầu Trung ương. 

Cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước phát triển mới được 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Một số địa phương vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện như: Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hưng Yên, Bến Tre, Kon Tum. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giảm như: Đồng Nai, Bạc Liêu, Phú Yên, Đà Nẵng...

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến 31/3, toàn Ngành đã kiểm tra, đối chiếu được 147.000 (trong tổng số 473.000 đơn vị) do cơ quan Thuế cung cấp; tổng số lao động tại các đơn vị được kiểm tra đối chiếu là 2,2 triệu người (trong đó có 613.000 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc- chiếm 27,8% tổng số lao động đã rà soát, đối chiếu; số lao động đã đăng ký tham gia BHXH là 268.000 người- đạt 43,7% tổng số lao động thuộc diện tham gia và số lao động chưa tham gia BHXH là 345.000 người- chiếm 56,3%). Trong đó, các địa phương rà soát đạt trên 90% như: Tây Ninh, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hải Phòng, Ninh Bình, Tiền Giang, Nghệ An, Phú Yên. Các địa phương rà soát đạt thấp như: Bắc Giang, Nam Định, TP.Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đồng Tháp, Hòa Bình, An Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, tổng số nợ BHXH trong toàn quốc lên tới 17.400 tỉ đồng (số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 7.200 tỉ đồng), trong đó có 44.428 đơn vị nợ từ 3-6 tháng với số tiền trên 1.300 tỉ đồng; 9.922 đơn vị nợ từ 6-12 tháng với số tiền 662 tỉ đồng và 17.994 đơn vị nợ trên 12 tháng với số tiền 2.900 tỉ đồng...

Lý giải về số lao động giảm (hơn 10.000 lao động), nhưng số thu trong quý I/2019 lại đứng trong top đầu (đạt 29%), đại diện BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết: Số lao động ở Trà Vinh giảm tập trung chủ yếu ở Công ty Giày da Mỹ Phong. Trước đây, công ty này tham gia BHXH cho 120.000 lao động, nhưng cuối tháng 2/2019, do đối tác phá sản, nên công ty đã cắt giảm trên 10.000 lao động. "Số lao động giảm nhiều, nhưng số thu tăng là do ngân sách nhà nước (NSNN) vừa chuyển kinh phí (cuối tháng 3/2019) trên 250 tỉ đồng mua thẻ BHYT cho các đối tượng. Đặc biệt, hằng năm NSNN cấp mua BHYT cho các đối tượng rất lớn- trên 500 tỉ đồng"- BHXH tỉnh Trà Vinh thông tin.

Liên quan đến thực hiện chỉ tiêu thu, ông Đinh Văn Hiệp- Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm nay, BHXH TP.Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo mạnh mẽ về công tác giảm nợ đọng. "Đơn cử, ở Đà Nẵng có Công ty Quảng An (kinh doanh vận tải xe buýt) nợ 6 tỉ đồng, trong đó xe buýt có trợ giá của thành phố, nên cơ quan BHXH đã có văn bản phối hợp với Sở LĐ-TB&XH trước khi chuyển hơn 10 tỉ đồng trợ giá năm 2018 thì chuyển số nợ BHXH về cho cơ quan BHXH. BHXH Thành phố sẽ lần lượt làm như vậy với các đơn vị nợ BHXH khác trên địa bàn… để đạt được chỉ tiêu đề ra"- ông Hiệp nhấn mạnh. Về việc số người tham gia BHXH tự nguyện giảm tới 39% so với cuối năm 2018 (khoảng 1.400 người), ông Hiệp cho rằng, do nhiều nguyên nhân và Đà Nẵng sẽ nỗ lực trong quý II sẽ đạt chỉ tiêu được giao.

Chia sẻ về việc phát triển đối tượng, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết: TP. Hồ Chí Minh có nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu, song BHXH Thành phố sẽ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Theo ông Mến, việc phát triển đối tượng trên địa bàn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng chú ý, đối tượng tham gia BHXH giảm 13.000 người, trong đó có nguyên nhân là một số KCN lớn thu hút lao động cả 3 vùng về và chủ trương của Thành ủy phát triển ngành nghề chất lượng cao, nên lao động thủ công, gia công sản xuất giảm nhiều.

Về BHXH tự nguyện, theo ông Mến, BHXH Thành phố đã có nhiều giải pháp, đặc biệt phối hợp với Bưu điện đã tổ chức được 77 hội nghị tuyên truyền và phát triển mới được 700 người. Ông Mến cũng khẳng định, chắc chắn trong tháng 4 sẽ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cao hơn so với quý I/2019, bởi hiện đang triển khai ở nhóm đối tượng tiềm năng như: BQL chợ, các tiểu thương; đồng thời chú trọng vào 2 DN lớn là Taxi Grap và Âu Việt (những DN này đang sử dụng trên 20.000 lao động). Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cũng phối hợp với các Trung tâm DVVL tập trung tuyên truyền đến những lao động đã chốt sổ BHXH, chấm dứt HĐLĐ và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Mến cho biết thêm, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã rà soát danh sách những doanh nghiệp ( DN) do cơ quan Thuế cung cấp và cho kết quả khá tốt. Trong tổng số hơn 110.000 đơn vị do Thuế cung cấp, BHXH Thành phố đã rà soát được 69.000 DN và đã khai thác được gần 26.000 lao động thuộc 5.400 DN. Đối với những đơn vị còn lại, BHXH Thành phố sẽ phối hợp UBND phường, xã và Cục Thuế rà soát tiếp. “BHXH Thành phố sẽ phối hợp với Bưu điện tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, DN; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thanh kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành. Từ tháng 4, sẽ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo là giảm số nợ, gửi hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị khởi tố hình sự những DN trốn, nợ BHXH. Đồng thời, tiếp tục rà soát, yêu cầu các DN phải tham gia BHXH theo quy định”- ông Mến khẳng định.

Thanh kiểm tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu biểu dương các địa phương thực hiện tốt công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng. Đồng thời lưu ý, hiện mới có 306.000 người tham gia BHXH tự nguyện là thấp so với kế hoạch. Do đó, trong 9 tháng cuối năm, các địa phương cần phải chú trọng để phát triển được ít nhất 185.000 người nữa. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa sát sao chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển đối tượng, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát... dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc giảm so với cùng kỳ năm trước; việc cập nhật dữ liệu hộ gia đình còn thiếu sót, trùng lặp; việc thông báo đóng BHXH cho đơn vị SDLĐ còn chậm, chưa quyết liệt.

“Công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ, quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến thu là những lĩnh vực mang tính trọng yếu của Ngành, nên các địa phương cần chú trọng thực hiện tốt. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đẩy mạnh phát triển đối tượng BHXH. Bên cạnh đó, cần thanh kiểm tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; kịp thời gửi thông báo đóng BHXH, BHYT tới các đơn vị SDLĐ. Trong phát triển BHXH tự nguyện, BHXH các địa phương phải phối hợp với Bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền theo đúng yêu cầu đề ra...”- Phó Tổng Giám đốc lưu ý.

Về khai thác đối tượng tham gia BHXH qua dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các địa phương phải lên kế hoạch kiểm tra, đối chiếu hằng tháng và phải có biên bản kiểm tra, rà soát của hai cơ quan nhằm đảm bảo số liệu chính xác… Đồng thời, phải thực hiện in thông báo kết quả đóng nộp gửi cho các đơn vị SDLĐ trước ngày 5 hàng tháng. "Sau 2 ngày, Bưu điện phải chuyển hết các thông báo đến DN, nhằm đôn đốc đóng nộp hàng tháng, không để nợ đóng. BHXH các địa phương quyết tâm bằng hành động thực tế, làm có trách nhiệm thể hiện qua số liệu, chứ không chỉ hô hào suông…”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh./.

Vũ Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực