|
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm cho người lao động và người sử dụng lao động |
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Chính sách này đã tạo “điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều lao động vượt qua khó khăn.
Để chính sách này được triển khai sâu rộng, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đến cán bộ, viên chức, NLĐ tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB&XH còn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm cho NLĐ và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp (DN). Đồng thời, hướng dẫn các DN tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp cụ thể, bảo đảm nhanh chóng, chính xác…
Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp các địa phương tổ chức được 9 buổi hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm cho trên 360 NLĐ và người sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.
Việc tuyên truyền về luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động cùng các văn bản khác đã góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. DN quan tâm hơn đến đầu tư trang thiết bị, máy móc, đổi mới kỹ thuật, chiến lược kinh doanh, thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, máy thiết bị để kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại; áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, mắc bệnh nghề nghiệp...
Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH An Giang còn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động. Các hoạt động triển khai bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức, DN, trong khu vực nhà nước.
Từ đó, thúc đẩy DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh triển khai các hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo sự quan tâm của xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác an toàn vệ sinh lao động...
Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp BHXH tỉnh đẩy nhanh giải quyết các chế độ chi trả kinh phí huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; giải quyết các thủ tục trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Qua đó, giúp NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và gia đình sớm vượt qua khó khăn…
Việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nói chung, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nói riêng luôn được các ngành, địa phương, DN chú trọng. Các chính sách được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đã giúp người sử dụng lao động, NLĐ nâng cao nhận thức và ngày càng thực hiện tốt hơn công tác an toàn vệ sinh lao động...
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH An Giang tiếp tục phối hợp các đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có việc tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đến từng đơn vị, DN và NLĐ. Hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp cụ thể, bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc DN thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị...