Bảo hiểm y tế: Chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo

Thứ ba, 23/06/2020 16:19
(ĐCSVN) - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước.

Hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”, với mục đích tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật BHYT, nhằm tiếp tục vận động, huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội, các tổ chức, hội, đoàn thể và toàn thể người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

 Người dân khám chữa bệnh  BHYT tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Chủ đề truyền thông về BHYT trong năm 2020 là "Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Theo đó, các thông điệp chính của Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam năm 2020 là: Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới BHYT toàn dân; Tham gia BHYT để chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng;  Thực hiện BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình; Thực hiện nghiêm Luật BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững; Tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng; BHYT là chính sách an sinh xã hội, do nhà nước tổ chức thực hiện.

Năm 2020 là năm thứ 6 triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều quy định mới có tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển chính sách BHYT và thể hiện sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong phát triển BHYT, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của Bộ Y tế đã mang lại những kết quả quan trọng.

Cụ thể, về số người tham gia và tỷ lệ bao phủ BHYT không ngừng gia tăng qua các năm.

Ngày 28/6/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1167/QĐ-BYT về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2017 là 82,2%, năm 2018 là 85,5%, năm 2019 là 88,1% và năm 2020 là 90,7%.

Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định số 1167/QĐ-BYT của Thủ tướng. Kết quả, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số.

 Uớc tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (nguyên nhân là do dịch bệnh COVID người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm), đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số (Báo cáo số 1883/BC-BHXH ngày 12/6/2020 của BHXH Việt Nam), hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2019 Thủ tưởng giao 88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT trong toàn ngành, với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT, góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHYT.

  Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Đỗ Thoa

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thành các nội dung chuyên môn kỹ thuật như: ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong KCB và thanh toán BHYT (đã có 6 phiên bản), chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí BHYT, Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện...

Việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí mà còn đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có sự liên thông giữa các cơ sở KCB, đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ.

Theo thông tin từ Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/5/2020, tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 96,5% . Tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày người bệnh ra viện trong toàn quốc trong 05 tháng đầu năm 2020 đạt 92,3%; Đã có hơn 63 triệu hồ sơ của 12.328 cơ sở KCB gửi lên Cổng Tiếp nhận, với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 43.000 tỷ đồng.

Trong số hơn 63 triệu hồ sơ có hơn 62,9 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 42.900 tỷ đồng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng và triển khai Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Khi đi KCB, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, bác sỹ sẽ được cung cấp tiền sử bệnh tật và quá trình KCB một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, đồng thời giảm bớt chi phí KCB không thực sự cần thiết./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực