BHXH Sơn La: Hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT

Thứ hai, 13/05/2024 09:49
(ĐCSVN) – Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao số người tham gia BHYT. Trong đó, nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
 Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi. Ảnh: Ngọc Mai)

Quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT

BHYT là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. BHYT nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều người nhờ vào BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 100-105 nghìn tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm.

Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Nhiều gia đình đã không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám, chữa bệnh cho người thân. Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống.

Những năm qua, chính sách BHYT luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đánh dấu một bước tiến quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT

 Người dân đến đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
(Ảnh: Hữu Quyết)

Là tỉnh miền núi, Sơn La luôn quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHYT. Thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao số người tham gia BHYT. Trong đó, nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền; thực hiện việc cấp thẻ BHYT, chi trả chế độ cho người dân tham gia BHYT một cách nhanh chóng, chính xác, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 là động lực để thúc đẩy người dân tham gia BHYT bền vững. Người dân thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, người dân tin tưởng, tham gia BHYT, góp phần đạt mục tiêu BHYT toàn dân. Chính sách thông tuyến sẽ giúp người tham gia BHYT có quyền lựa chọn nhiều hơn, thuận tiện, tốt nhất trong khả năng của họ; người bệnh được tiếp cận nhanh hơn, kịp thời hơn các dịch vụ y tế mà không cần phải làm thủ tục chuyển tuyến, giảm bớt phiền hà, nhất là đối với những lao động tự do hoặc chuyển dịch lao động do các nguyên nhân khác nhau. 

Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo BHYT đạt 96,1% dân số có mặt trên địa bàn tham gia BHYT, trong đó, 100% học sinh, sinh viên và từ 90% trở lên hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT. 

Theo ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH, đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 1.237.659 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 94,6% dân số, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3.610 người, cộng với số ngoại tỉnh tăng 12.501 người, nhưng những con số này giảm gần 4% so với cuối năm 2023.

Lý giải lý do việc tham gia BHYT của người dân còn chưa bền vững, ông Thiều Quang Ngãi cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội của tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, dẫn đến việc trích nộp BHXH, BHYT không được đầy đủ, kịp thời; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 96,2% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, ông Thiều Quang Ngãi cho rằng, bên cạnh nỗ lực của cơ sở trong việc vận động, tuyên truyền cũng như đảm bảo công tác khám chữa bệnh kịp thời, nhanh chóng rất cần sự đồng hành vào cuộc của các cấp, các ngành.

Theo đó, BHXH tỉnh Sơn La đang kiến nghị với BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện có lộ trình thay đổi mức hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và người dân tộc thiểu số đang được Ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, không cắt giảm toàn bộ mức hỗ trợ khi thay đổi danh sách các xã vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn. Điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình, phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đảm bảo cân đối thu, chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh được thụ hưởng tốt nhất các chính sách về BHYT, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Cũng theo ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách BHYT. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đến cấp xã trong tuyên truyền, vận động để thực hiện chính sách BHYT. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn dân cư, các nhóm đối tượng. Thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các địa phương trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Xây dựng lộ trình khai thác và mở rộng đối tượng tương xứng với tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đa dạng hóa công tác xã hội hóa, huy động, vận động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi mỗi công chức, viên chức tặng một thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, phường, thị trấn vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sử dụng linh hoạt các nguồn lực, từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng chuyển sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân.

Có thể nói, BHYT là một mảng lớn trong hệ thống bảo hiểm xã hội, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo. Việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Sơn La được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; gắn kết trách nhiệm chung tay của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Mai Khanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực