Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có trên 21.000 lao động từ đủ 18 tuổi trở lên báo tạm vắng đi di cư lao động sang tỉnh, thành phố khác trong cả nước do Lai Châu không có khu công nghiệp, khu chế xuất nên không có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đa số doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương sử dụng rất ít lao động (có trên 60% số doanh nghiệp sử dụng dưới 5 lao động). Vì vậy, qua các năm BHXH tỉnh đã rà soát dữ liệu người tham gia BHXH đạt kết quả không cao.
Việc mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ tại tỉnh gặp khó khăn, hiện tại chỉ có Tổ chức dịch vụ Bưu điện và 1 Tổ chức dịch vụ Doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hiệu quả phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng của tổ chức dịch vụ không đạt kỳ vọng của BHXH tỉnh.
Lai Châu bị tác động lớn do thay đổi chính sách vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Mặc dù BHXH tỉnh đã chủ động báo cáo và kiến nghị các chính sách hỗ trợ đóng tuy nhiên địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí... Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch trực tuyến, chuyển đổi số trên địa bàn cũng gặp nhều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất, hạn chế về trình độ của người dân, người lao động...
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Sau khi nghe báo cáo, chia sẻ từ phía BHXH tỉnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã đánh giá, thông tin thêm về công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lai Châu; đồng thời cũng giải đáp một số kiến nghị của BHXH tỉnh về các lĩnh vực: Thu, phát triển người tham gia, chính sách BHYT, thanh tra - kiểm tra, công nghệ thông tin, công tác truyền thông...
Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào đánh giá, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, địa bàn rộng, phức tạp, dân cư thưa thớt, phân bố không đồng đều. Vì vậy, BHXH tỉnh cần bám sát, linh hoạt triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam về công tác này. Trong đó cần chú trọng mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; tham mưu, đề xuất mời các đống chí lãnh đạo trong Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh về làm việc tại các xã nhằm khích lệ, đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở.
Ông Dương Văn Hào cũng gợi ý một số mô hình hay của nhiều địa phương để BHXH tỉnh có thể học tập, áp dụng trong công tác phát triển người tham gia như: Việc lập các tổ xung kích, phát huy vai trò của các đoàn hội như thanh niên, phụ nữ, nông dân; lựa chọn những nhóm đối tượng khó khăn nhất trên địa bàn để truyền thông, vận động, tham mưu các chính sách hỗ trợ như nhóm nông, lâm nghiệp không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT...
|
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: TT |
Cần nắm chắc, bám sát địa bàn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt
Tại buổi làm việc với BHXH tỉnh Lai Châu mới đây để bàn về giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, Lai Châu là tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một nửa so với bình quân chung cả nước, chênh lệch giàu nghèo lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số… Những điều đó có tác động rất lớn đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, với một tỉnh khó khăn, biên giới, miền núi thì công tác an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì vậy, vai trò, nhiệm vụ của BHXH tỉnh cũng rất lớn. Do đó, BHXH tỉnh Lai Châu cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam; đồng thời chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, BHTN vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN.
Trong công tác truyền thông, phát triển người tham gia, BHXH tỉnh cần nắm chắc, bám sát địa bàn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt; tập trung vào các hình thức truyền thông trực tiếp, theo nhóm nhỏ trong cộng đồng, tổ chức các lễ ra quân; huy động, phát huy được vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia để góp phần truyền thông, lan tỏa về vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp ngành Y tế tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn để khắc phục khoảng cách, khó khăn trong đi lại.
BHXH tỉnh cũng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đồng đều giữa các bộ phận và cơ sở để việc phân cấp nhiệm vụ hiệu quả; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong công việc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy hơn nữa tinh thần phục vụ./.