|
Ông Nguyễn Văn Lưu- Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, Bình Phước: Đảng viên phải đi đầu trong việc vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Đỗ Thoa |
Tích cực vận động nhóm đối tượng có thu nhập ổn định tham gia BHXH tự nguyện
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết: “Xã Bù Đăng đa số là người dân tộc thiểu số, lại đa dân tộc, công việc không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh nên việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện không dễ dàng. Nhiều người cho biết đóng tiền đến 20 năm sau mới được hưởng thì quá dài nên không muốn tham gia. Vì vậy, huyện đã yêu cầu cán bộ tuyên truyền nhắm vào các nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập ổn định như người làm ăn buôn bán, kinh doanh, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ; các ông chủ vườn điều, vườn sầu riêng...
Ông Lê Văn Tiến, Phó Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), cho biết toàn huyện mới có hơn 600 người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu của BHXH huyện Bù Đăng là có thêm hơn 1.800 người dân tham gia BHXH tự nguyện nữa. Đây là con số khá lớn, tuy nhiên, UBND huyện Bù Đăng vừa có Quyết định giao cho mỗi đảng viên vận động hoặc đóng BHXH tự nguyện cho ít nhất 1 người nhà. Theo ông Tiến, đã có nhiều đảng viên đóng BHXH tự nguyện cho bố mẹ mình. Họ đều thấy rằng đây là món quà ý nghĩa mà con tặng cho bố mẹ. Số tiền đóng hằng tháng không nhiều nhưng bố mẹ khi về già sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT miễn phí để bảo đảm cuộc sống, con cháu cũng sẽ yên tâm hơn… "Toàn huyện Bù Đăng có hơn 2.500 đảng viên nên chúng tôi tin huyện Bù Đăng sẽ hoàn thành chỉ tiêu 2.200 người mới tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn huyện về ý nghĩa quan trọng, thiết thực của BHXH tự nguyện" - ông Lê Văn Tiến nhấn mạnh.
Là nhân viên thu BHXH, ông Nguyễn Quốc Trường (SN 1971) cho biết ông làm cán bộ tư pháp xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nên có lợi thế thường xuyên tiếp xúc với người dân trong xã. Hơn nữa, ông am hiểu chính sách, pháp luật nên khi tư vấn cho bà con về chính sách BHYT, BHXH rất thuận lợi. Việc vận động người dân tham gia BHYT khá thuận lợi vì là quyền lợi sát sườn, nhìn thấy ngay sau mỗi lần đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện khá khó khăn vì thời gian đóng dài. "Nhiều người có tâm lý "20 năm nữa ai biết sống chết thế nào" nên họ không muốn tham gia. Hơn nữa, trong xã hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, họ thường đi làm thuê, kiếm ăn hằng ngày, kiếm được tiền lại tiêu hết nên không có tích cóp để đóng BHXH tự nguyện. Thế nên khi vận động tôi sẽ tập trung vào nhóm đối tượng có thu nhập ổn định như công an viên, dân quân tự vệ, người có đất, có vườn, doanh nghiệp vừa và nhỏ…" - ông Trường nói.
Đến nay, ông Trường đã vận động được gần 50 người tham gia BHXH tự nguyện. Hầu hết mọi người đều đóng ở mức tối thiểu (297.000 đồng/tháng), khi thu nhập cao hơn sẽ đóng ở mức cao hơn.
|
Người dân được giải đáp thắc mắc tận tình về chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: Đỗ Thoa |
Dù có khó khăn hay có nghỉ việc cũng sẽ tiếp tục đóng BHXH tự nguyện
Ông Trần Dinh (sinh năm 1954, trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã được hưởng lương hưu 8 năm nay. Ông rất vui mừng vì mình có được khoản thu nhập cố định để an tâm tuổi già. Ông cho biết trước đây ông làm cán bộ xã, đóng BHXH bắt buộc được 17 năm thì đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2011. Lúc đó, ông chưa đủ năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu nên rất nhiều người khuyên ông rút BHXH 1 lần để lấy "1 cục". Tuy nhiên, ông đã cân nhắc và quyết định đóng BHXH tự nguyện 3 năm nữa để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài số tiền lương hưu hơn 2,6 triệu đồng/tháng, ông Trần Dinh còn được phát thẻ BHYT miễn phí, yên tâm đi khám bệnh khi ốm đau mà không sợ gánh nặng về viện phí.
“Tôi cảm thấy mình thật sáng suốt vì năm 2011 không rút BHXH 1 lần. Tiền rút ra chắc cũng tiêu hết mà tuổi già của mình lại bấp bênh" - ông Dinh nói.
Là người đã từng rút BHXH 1 lần, chị Nguyễn Thị Út (SN 1987, trú tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) cho biết chị cảm thấy rất tiếc nuối. Chị kể từ năm 2009-2020, chị làm kế toán cho một trường tiểu học, tham gia BHXH bắt buộc được 11 năm thì nghỉ việc. Lúc bấy giờ gia đình khó khăn, cần một khoản tiền nên chị đã rút BHXH 1 lần. "Số tiền BHXH tôi rút được hơn 70 triệu, chi tiêu một số việc rồi cũng hết. Giá lúc đó tôi ráng vay mượn bạn bè rồi trả dần, không rút BHXH 1 lần có lẽ tốt hơn" - chị Út chia sẻ.
Theo chị Út, mới đây chị đã có công việc mới và công ty đóng BHXH bắt buộc. Vì đã rút BHXH 1 lần nên giờ chị tham gia BHXH là phải "làm lại từ đầu". "Lần này tôi chắc chắn sẽ tham gia BHXH đến cùng, đến khi được nhận lương hưu. Dù có khó khăn hay có nghỉ việc tôi cũng sẽ tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Chứ đến khi già rồi, sức yếu, không có thu nhập, cần đi khám chữa bệnh thường xuyên mà "tay trắng" thì sẽ khổ lắm. Nên lần này tôi nhất định phải tham gia BHXH để có lương hưu" - chị Út khẳng định./.