Cần giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân

Thứ tư, 05/10/2022 16:58
(ĐCSVN) - Theo TS Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022. Đây là vấn đề cấp bách cần quan tâm, bởi việc không tham gia BHYT sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, TS Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có bài tham luận về mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TS Lâm Văn Đoan đại dịch COVID-19, cũng như ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đã có những tác động tiêu cực đến lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả và cách tiếp cận, thích ứng linh hoạt đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân đã trở lại trạng thái bình thường. Nền kinh tế Việt Nam đã, đang được phục hồi mạnh mẽ, qua đó giúp thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá. 

TS. Lâm Văn Đoan Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam

TS Lâm Văn Đoan đã đánh giá sự phục hồi của thị trường lao động sau đại dịch COVID-19, đồng thời phân tích một số vấn đề xã hội cần quan tâm trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong đó, theo TS. Lâm Văn Đoan, chỉ tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng so với cùng kỳ và năm 2021. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/7/2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 34,1% lực lượng lao động, tương ứng khoảng 16.880.493 người. So với cùng kỳ tăng 5,71%, tương ứng là 911.706 người. So với năm 2021 tăng 2,02%, tương ứng là 333.636 người. Số tham gia BHTN đạt 28% lực lượng lao động, tương ứng 13.845.967 người, so với cùng kỳ tăng 5,94%, tương ứng là 775.888 người, so với năm 2021, tăng 3,37%, tương ứng là 451.024 người.

Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 38% (kế hoạch là 37-38%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 31% (kế hoạch là khoảng 31%), đạt mục tiêu được Quốc hội giao.

Về một số vấn đề xã hội cần quan tâm trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS Lâm Văn Đoan nhìn nhận, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHTN còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH. 

TS Lâm Văn Đoan dẫn chứng, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước 8 tháng năm 2022, số lao động tham gia BHXH bắt buộc chiếm khoảng 34,4% lực lượng lao động; BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3,3% lực lượng lao động; BHTN chiếm khoảng 30,6% lực lượng lao động. Như vậy, còn khoảng 60% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH và BHTN mà chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức. Người lao động khi về già sẽ không có lương hưu, khi thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không được hỗ trợ bảo hiểm. Theo tính toán, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai

Bên cạnh đó, số người hưởng BHXH một lần vẫn ở mức rất cao. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, riêng năm 2021, đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần; 4 tháng đầu năm 2022 có 308.151 người, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2021; ước 5 tháng đầu năm 2022 là 404.722 người, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần chiếm bình quân 4,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc - tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020. Điều này cũng có nghĩa là, cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người cũ rời khỏi hệ thống.

Mặt khác, TS Lâm Văn Đoan chỉ ra, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/7/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 87,6% dân số, thấp hơn 2,4% so với cuối năm 2021 (91%), giảm 2.151.408 người. Để thực hiện đạt mục tiêu đến cuối năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92% dân số theo Nghị quyết Quốc hội giao thì cần phấn đấu tăng 5.074.962 người tham gia . Trong suốt gần 7 năm qua (từ 2016-2021), tỷ lệ người dân tham gia BHYT đều liên tục tăng trưởng và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

TS Lâm Văn Đoan nhấn mạnh, đây là vấn đề cấp bách cần quan tâm vì sau hơn 02 năm diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất cao. Việc không có sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình. Do vậy, cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời để nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân theo Nghị quyết Quốc hội./.

 
TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực