Chuẩn bị dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có chất lượng trình Quốc hội xem xét

Thứ tư, 30/08/2023 13:55
(ĐCSVN) - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án Luật khó, có tác động lớn đến đời sống của người dân, cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước nên đề nghị Chính phủ, các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để chuẩn bị dự án Luật có chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản số 2733/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) 

Trước đó, sáng ngày 17/8/2023, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tinh thần cầu thị, lắng nghe, bám sát nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Cơ bản tán thành với ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội - cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật này. 

 Toàn cảnh Phiên họp về nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đây là dự án Luật khó, có tác động lớn đến đời sống của người dân, cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước nên đề nghị Chính phủ, các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để chuẩn bị dự án Luật có chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trong đó, lưu ý đến các vấn đề liên quan lĩnh vực thuộc Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi và phải dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn để tăng tính thuyết phục, đồng thuận cao, đồng thời bổ sung, hoàn thiện nội dung các báo cáo thành phần của Hồ sơ để bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình ra Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc lấy ý kiến, thảo luận, để hoàn thiện dự án Luật và lưu ý một số vấn đề: Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 Nghiên cứu, tiếp thu, bố cục lại dự thảo Luật cho rõ ràng hơn; Đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định trong dự án Luật về Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quản lý thu quỹ bảo hiểm xã hội; thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu; về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và mức xử phạt; quy định bảo hiểm thất nghiệp; về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và các nội dung liên quan khác…

Tiếp tục thể chế hóa những nội dung, yêu cầu của cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra dự án Luật này và chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi về các nội dung của dự án Luật, nắm bắt dư luận xã hội, bảo đảm trình Quốc hội dự án luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao, tạo được sự đồng thuận của xã hội. Đối với các nội dung có tác động lớn, nhạy cảm cần khẩn trương chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại để xem xét, quyết định trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực