Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Thứ năm, 01/06/2023 14:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội), số liệu báo cáo từ năm 2021 đến nay cho thấy có khoảng 4 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần là điều hết sức lo lắng.
Quang cảnh phiên họp 

Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Kiến nghị dùng ngân sách mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi

Phát biểu phiên họp, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi thấy Chính phủ đề xuất nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới là “Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội”. Thời điểm này, nhiệm vụ trên là hết sức cần thiết...

Góp ý cụ thể về bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, đại biểu nêu rõ, theo con số tính toán của năm 2021, chúng ta còn khoảng 500.000 người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế. Trong những năm qua, ngoài những chính sách khác thì bảo hiểm y tế của người cao tuổi đã được các địa phương quan tâm, mua cho người cao tuổi, rất nhiều tỉnh đã đạt được 100%. Nhưng còn một số tỉnh chỉ đạt 88%, khoảng 90%. 

Theo đại biểu, theo Quyết định 861 của Chính phủ khi được công nhận các xã nông thôn mới thì Nhà nước không mua bảo hiểm y tế đã làm ảnh hưởng rất lớn tới số người được tham gia bảo hiểm y tế. 

“Trong số 16,1 triệu người cao tuổi hiện nay, chỉ có 5 triệu người có bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội, còn 11 triệu người vẫn phải lao động để kiếm sống. Nếu Đảng và Nhà nước không quan tâm tới bảo hiểm y tế đối với đối tượng này thì sẽ cực kỳ khó khan” - đại biểu phát biểu. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, kiến nghị Quốc hội thống nhất dùng ngân sách để mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, rất nhiều tỉnh muốn thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên cần phải có các cơ sở pháp lý từ Chính phủ, từ Quốc hội. 

Rút bảo hiểm xã hội một lần là điều hết sức lo lắng

Góp ý về bảo hiểm xã hội, đại biểu Trương Xuân Cừ quan tâm đến số liệu báo cáo từ năm 2021 đến nay cho thấy có khoảng 4 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo đại biểu, điều này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng là điều hết sức lo lắng. Đại biểu đề nghị chúng ta cần nghiên cứu làm thế nào để tăng bảo hiểm xã hội lên bằng tự nguyện hay bằng hỗ trợ.

Mặt khác, theo đại biểu hiện nay, Luật Bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các hộ nghèo 50% và hộ cận nghèo 30% là “chưa hợp lý lắm”. “Bởi vì đã là hộ nghèo thì ăn hằng ngày còn khó, mới chỉ hỗ trợ đến 50% thì chắc là cũng chưa được. Hoặc những người đã đóng góp bao nhiêu năm rồi thì chúng ta hỗ trợ như thế nào để họ có thể tiếp tục nuôi dưỡng được bảo hiểm xã hội đến năm cần thiết” - đại biểu nêu quan điểm. 

 Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) 

Cũng về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề thời gian rút bảo hiểm xã hội của công nhân lao động sớm hơn thời gian quy định. Hiện nay quy định là 12 tháng, nhưng trong 12 tháng thì công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn để nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cho nên cử tri và công nhân lao động đề nghị rút thời gian ngắn lại từ 3 tới 6 tháng. Vì người lao động nghỉ việc đã khó khăn, chờ đến 12 tháng thì chồng chất khó khăn hơn, khi nhận hỗ trợ thất nghiệp thì không đủ chi phí của người lao động. 

Theo đại biểu, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ công nhân lao động bị giãn việc, mất việc như: chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ, hoặc hỗ trợ điện, nước, chuyển đổi nghề… trong lúc người lao động bị mất việc như hiện nay./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực