(Ảnh minh họa. Ảnh: TL) |
|
Cụ thể, về đối tượng được giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (hướng dẫn Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP), Bộ Y tế đề nghị 2 phương án:
Phương án 1: Giảm trừ đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Phương án 2: Giảm trừ đối với tất cả các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (Giảm trừ đối với tất cả các đối tượng, gồm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế).
Bộ dự kiến đề xuất theo phương án 2 vì đã xếp chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (trừ đối tượng qui định quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế) trong cùng 1 điều (Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP), nên nếu tách ra (thực hiện theo phương án 1 sẽ không nhất quán về khái niệm “hộ gia đình”).
Về mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, theo Bộ Y tế, thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Bộ dự kiến đề xuất 2 phương án giám trừ gồm:
Phương án 1: Giảm trừ trước (giảm trừ ngay khi từ người thứ hai trong hộ gia đình phải tham gia theo hình thức bảo hiểm y tế hộ gia đình trở đi tham gia).
Phương án 2: Giảm trừ sau (giảm trừ sau khi có đủ tất cả các thành viên hộ gia đình đã tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trong năm tài chính).
Bộ Y tế dự kiến đề xuất theo phương án 2 vì theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế “Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc được áp dụng với tất cả các đối tượng theo quy định của luật này để …” (Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế), do đó, để bảo đảm thực hiện việc giảm trừ có tính “bắt buộc” (chế tài) đối với hộ gia đình, tránh tình trạng chỉ khi ốm đau mới tham gia và không tham gia đầy đủ.
Số kinh phí được giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế (nếu theo Phương án 2 Khoản 2 Điều này) được thực hiện như sau: Khi thành viên cuối cùng của hộ gia đình cùng tham gia bảo hiểm y tế trong năm tài chính thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm trừ kinh phí cho đại diện hộ gia đình đó. Thời gian thực hiện giảm trừ được thực hiện ngay tại thời điểm thành viên cuối cùng của hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế trong năm tài chính.
Số kinh phí giảm trừ được xác định theo từng thời điểm của mỗi thành viên đóng, bằng: Số tiền đóng của người được giảm trừ nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức giảm trừ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nhân (x) số tháng tham gia bảo hiểm y tế của mỗi thành viên hộ gia đình.
Bắt đầu từ 1/7/2020, theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ thay đổi như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, mức đóng của người thứ nhất tăng lên 72.000 đồng/tháng (4,5 x 1.600.000 đồng = 72.000 đồng). Mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo: người thứ hai đóng 50.400 đồng/tháng; người thứ ba đóng 43.200 đồng/tháng; người thứ tư đóng 36.000 đồng/tháng; người thứ năm đóng 28.800 đồng/tháng.
Còn từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2020, mức đóng BHYT hộ gia đình được tính như sau:
Người thứ nhất đóng 67.050 đồng/tháng; người thứ hai đóng 46.935 đồng/tháng; người thứ ba đóng 40.230 đồng/tháng; người thứ tư đóng 33.525 đồng/tháng và người thứ năm đóng 26.820 đồng/tháng.
|