Đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Thứ hai, 13/03/2023 14:02
(ĐCSVN) - Nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án đề xuất về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

77,5% người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Cụ thể, năm 2016 là 500.174 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, năm 2017 là 560.137 người, năm 2018 là 666.482 người, năm 2019 là 707.184 người, năm 2020 là 761.081 người, năm 2021 là 863.259 người.

Tương ứng với số người hưởng bảo hiểm một lần thì số tiền chi trả cũng tăng, trong giai đoạn 2016 – 2021, lần lượt là 10.488 tỷ đồng, 13.926 tỷ đồng, 19.531 tỷ đồng, 24.182 tỷ đồng, 28.463 tỷ đồng và 35.350 tỷ đồng.

Xét theo khía cạnh giới, số lượng lao động nữ hưởng bảo hiểm xã hội một lần luôn cao hơn lao động nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: Duyên Phan)

Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016 – 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; sau đó là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định với tổng số 257.000 người, chiếm 8,04% và thấp nhất là đối tượng tự nguyện với 38.856 người, chiếm 1,22%.  

Tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nam và nữ và tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bình quân có chiều hướng tăng lên hàng năm và tổng bình quân hưởng bảo hiểm xã hội ngắn (lao động nữ có thời gian tham gia bình quân ít hơn nam). Người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Điều này cho thấy, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa là do áp lực về tài chính và sự thay đổi, giãn đoạn trong công việc.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chủ yếu là: Đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt cũng như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn.

Một nguyên nhân nữa được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, đó là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 – 2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc… ngừng sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng; số lao động mất việc không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động cũng là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó là thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp; niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội có dấu hiệu giảm sút.

Quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu dẫn đến: Đa số người lao động khi nghỉ việc chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu; Người lao động 45 hoặc 50 tuổi mới bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội hưởng lương hưu.

Việc điều chỉnh tăng trong cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho những năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi (từ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng lên 2 tháng đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội) cũng có tác động đến việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

Đề xuất giảm 50% hưởng BHXH một lần

Nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án đề xuất. Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93/2015/QH13): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Bộ LĐTB&XH cho rằng, phương án 1, thiệt hại về lâu dài khi người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần khó có thể tích lũy được thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc không đủ để hưởng với tỷ lệ hưởng cao. Do không có sửa đổi về chính sách cho nên không thể hạn chế tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động này đến khi nghỉ hưu.

Đối với phương án 2, Quỹ bảo hiểm xã hội giảm được số tiền chi trả ban đầu khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động giảm số tiền nhận được khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng bù lại ½ thời gian đã đóng được bảo lưu lại để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực