Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả

Thứ tư, 10/07/2024 15:15
(ĐCSVN) - Việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho phụ nữ và gia đình cũng như chi phí xã hội do điều trị ung thư cổ tử cung…

Sáng 10/7, tại tỉnh Bắc Ninh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức “Hội thảo đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung tốn kém nhưng bệnh có thể dự phòng hoặc được loại trừ khi sử dụng vaccine HPV, thực hiện sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm dấu hiệu tiền ung thư.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ còn thấp. Một trong những nguyên nhân do vaccine HPV có chi phí khá cao so với thu nhập chung, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL.

 Do đó, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, phù hợp nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho phụ nữ và gia đình cũng như chi phí xã hội do điều trị ung thư cổ tử cung.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác vận động đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Tại Hội thảo, từ thực tế hành nghề tại  địa phương và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, công tác khám sàng lọc gặp khó khăn do người dân chủ quan, chưa hiểu hết tầm quan trọng của sàng lọc; nhân lực y tế mỏng, làm công tác kiêm nhiệm, thiếu đào tạo bài bản. Ngoài ra, kỹ thuật sàng lọc chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; kinh phí hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách cho người làm công tác sàng lọc…

 Trên cơ sở đó, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh đề xuất cần tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sàng lọc; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, ý thức người dân về phòng, chống bệnh ung thư cổ tử cung. Đồng thời tổ chức sàng lọc thường xuyên khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế, lồng ghép các hoạt động; sớm đưa khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả; tiêm vaccine phòng ngừa HPV, sàng lọc, điều trị tổn thương tiền ung thư…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền và sàng lọc ung thư cổ tử cung trong phát hiện và điều trị bệnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Mai cho biết, trong thời gian tới Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông ý nghĩa của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung; mở rộng quy mô các chương trình sàng lọc, tăng cường tổ chức đợt khám sức khỏe lưu động đến xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động sự tham gia của cộng đồng, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong tuyên truyền, hỗ trợ các chương trình sàng lọc…/.

 

 

Thanh Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực