Đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp

Thứ ba, 27/09/2022 10:51
(ĐCSVN) - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn khi thực hiện Luật Việc làm là về tham gia bảo hiểm thất nghiệp: đối tượng tham gia chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm thất nghiệp của trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều bất cập; mô hình quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ hạn chế (Quỹ ngắn hạn nhưng quản lý như dài hạn).

 Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội (Ảnh: Nhật Dương)

Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 5 nhóm chính sách trong xây dựng luật. Trong đó, nhóm chính sách thứ hai được đề xuất là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động.

“Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động” – Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.

Sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.

Bổ sung một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp: trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng…

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ học nghề

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng bỏ nội dung “gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”, quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

Sửa đổi, bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được xác định trên cơ sở số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá.
Sửa đổi tên chế độ “hỗ trợ học nghề” thành “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.

Bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; người lao động được hỗ trợ chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí…) trong thời gian học nghề…/.

 
Thanh Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực