Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ gia tăng
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 số nợ này là trên 9.500 tỷ đồng; năm 2017 trên 9.700 tỷ đồng; năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 30% tổng số nợ. Tổng số tiền chậm đóng BHXH của các đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
|
Ứng dụng VssID giúp người lao động giám sát lại đơn vị sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH (Ảnh minh họa)
|
Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cộng dồn đến hết năm 2022, số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (tính đến cuối năm 2022). So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.
Việc các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thực trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua được lý giải có nhiều nguyên nhân. Đó là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội trong đó có hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội ở nhiều nơi còn chưa nghiêm.
Cùng với đó, việc thu bảo hiểm xã hội chưa đúng, đủ, kịp thời theo quy định của luật; một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt và hiệu quả, dẫn đến còn tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến khó thu.
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước; nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam...
Đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm từ 6 tháng
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung một số biện pháp xử lý trốn đóng BHXH.
Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).
Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Sau khi thực hiện các quy định trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tổ chức Công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động./.