Giải quyết quyết liệt tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 29/02/2024 13:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp kéo dài, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đã gửi phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp giải quyết hiệu quả tình trạng này, góp phần vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp kéo dài gây mất quyền lợi chính đáng cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp Bình Dương gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 kiến nghị được miễn lãi suất, giãn nợ bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp có điều kiện tái sản xuất trong bối cảnh hậu COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Người lao động kiến nghị phải được nhà nước bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội vì bản thân đã đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, còn nhiệm vụ quản lý nhà nước là phải kiểm soát tốt việc đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đúng quy định.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp giải quyết hiệu quả tình trạng nêu trên, góp phần vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã đã có Văn bản số 696/TTg-KTTH nêu rõ:

Về vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo đảm quyền lợi về BHXH của người lao động

Liên quan đến vấn đề này, trước đây Chính phủ đã có Báo cáo số 193/BC-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 gửi Quốc hội về bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật.

Thời gian qua, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH gây ảnh hưởng tới việc giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động, qua đó, tình trạng chậm đóng BHXH đã từng bước được cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, đặc biệt trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng BHXH (phá sản; đang làm thủ tục phá sản; ngừng hoạt động; chủ bỏ trốn), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN), các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp giải quyết chế độ BHXH theo quy định bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH đã có văn bản gửi BHXHVN về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động theo hướng: (i) giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); (ii) xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH. Đồng thời, đề nghị BHXHVN tiếp tục tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo chế độ cho người lao động.

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bo sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm 2023.

 Về chính sách BHXH đối với doanh nghiệp gặp khó khăn

Quan điểm của Chính phủ là đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, thời gian qua, để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, cụ thể: Nghị quyết số 42/NQ-CP (ngày 09 tháng 4 năm 2020), Nghị quyết số 154/NQ-CP (ngày 19 tháng 10 năm 2020), Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 01 tháng 7 năm 2021), Nghị quyết số 116/NQ-CP (ngày 24 tháng 9 năm 2021), Nghị quyết số 126/NQ-CP (ngày 08 tháng 10 năm 2021), Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (ngày 07 tháng 7 năm 2021), Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (ngày 01 tháng 10 năm 2021), Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg (ngày 06 tháng 11 năm 2021), Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30 tháng 01 năm 2022), Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg (ngày 28 tháng 3 năm 2022).

Đối với lĩnh vực BHXH đã hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động thông qua việc giảm trách nhiệm đóng góp vào quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động (giảm mức đóng từ 0,5% xuống bằng 0% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến 30 tháng 6 năm 2022; giảm mức đóng của người sử dụng lao động từ 1% xuống bằng 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022); giảm điều kiện để người sử dụng lao động được hưởng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (doanh nghiệp không bị tính lãi chậm đóng trong thời gian được tạm dừng đóng); hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp...Tổng kinh phí hỗ trợ từ các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hơn 47,4 nghìn tỷ đồng.

Với các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần giảm bởi khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực