UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND thành phố, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, giai đoạn 2022-2025.
Hiện mức hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện rất thấp. Với người thuộc hộ nghèo, mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH hàng tháng theo khu vực nông thôn, tương ứng 99.000 đồng mỗi tháng; người thuộc hộ cận nghèo là 25%, tương ứng 82.500 mỗi tháng; hỗ trợ nhóm khác bằng 10%, tương ứng 33.000 đồng mỗi tháng. "Mức này chưa thu hút người lao động đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế khi về già", tờ trình nêu.
|
Thống kê 3 tháng đầu năm 2022, số người đóng BHXH tự nguyện tại Hà Nội giảm so với cuối năm 2021. Ảnh: TL |
Từ năm 2022, mức chuẩn nghèo đa chiều tăng lên, tại Hà Nội là 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, từ 154.000 lên 330.000 đồng/người/tháng, khiến người lao động gặp khó. Thống kê 3 tháng đầu năm 2022, số người đóng BHXH tự nguyện tại Hà Nội giảm so với cuối năm 2021.
Lao động phi chính thức chưa đóng BHXH khi về già sẽ không có lương hưu, trở thành gánh nặng cho ngân sách. Theo quy định, người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hay trợ cấp nhận 440.000 đồng/người/tháng và được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Ngân sách thành phố đang chi khoảng 490 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng; 75 tỷ đồng tiền đóng BHYT cho gần 93.000 người mỗi năm.
Hà Nội thống kê sau 13 năm thực hiện, số người đóng BHXH tự nguyện mới đạt 1,3% lực lượng lao động. Trong khi chỉ tiêu tới năm 2030, tỷ lệ này phải trên 10% và 65% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Vì vậy, UBND thành phố khẳng định việc ban hành chính sách hỗ trợ là cần thiết, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi trả trợ cấp xã hội, BHYT hàng tháng cho người không có lương hưu.
Chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam ra đời năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Sau 13 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,3 triệu người tham gia. Tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,7% số người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.
Từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh thành trích thêm kinh phí từ ngân sách để bù đắp, hỗ trợ lao động tham gia. Từ năm 2022, tiền đóng BHXH tự nguyện tăng lên với mức thấp nhất là 330.000 đồng. Hỗ trợ của Nhà nước cao nhất đạt 99.000 đồng với hộ nghèo.
Chính sách gồm hai chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động như BHXH bắt buộc. Ít chế độ thụ hưởng, thu nhập bấp bênh khiến lao động phi chính thức không mặn mà với khu vực này. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện chọn "rút một cục" là gần 12.000, tăng khoảng 60% so với năm 2019. Bình quân các năm 2016-2019 số người tham gia BHXH tự nguyện chọn hưởng trợ cấp một lần tăng trên 16%./.