Theo Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng Đậu Tú Lan, năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 121.158 người tham gia BHXH (đạt tỷ lệ 15,27%) lực lượng lao động của tỉnh (vượt 1,27% với 9.810 người so với kế hoạch giao). Có 1.240.708 người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 93,11% dân số (vượt 1,11% với 14.609 người). So với kế hoạch được giao, các huyện, thành phố đều hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu bao phủ BHXH. Trong đó, 10/12 huyện, thành phố hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT, còn 2 huyện (Lâm Hà, Đam Rông) chưa hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT.
Toàn tỉnh đã giải quyết 79.408 người và lượt người hưởng các chính sách BHXH, BHTN, với tổng số tiền chi trả 2.892 tỷ đồng. Kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng và hiệu quả góp phần ổn định cuộc sống của người lao động trong đại dịch.
|
Hệ thống tổ chức dịch vụ thu được mở rộng và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
|
Cũng trong năm 2022, tổng số lượt người dân khám, chữa bệnh BHYT là 1.636.462 lượt người, với tổng số tiền chi phí trên 1.031 tỷ đồng. Trong đó, số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tại tỉnh Lâm Đồng là 1.525.621 lượt người với số tiền chi phí trên 639 tỷ đồng; tổng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT đa tuyến đi ngoài tỉnh Lâm Đồng là 110.841 lượt người với số tiền trên 392 tỷ đồng.
Công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, trong dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; các cơ sở y tế và BHXH phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh BHYT.
Các cơ sở sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số, căn cước công dân có gắn chíp để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Hiện nay, có 183/183 cơ sở y tế thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên hệ thống thông tin giám định BHYT. Các cơ sở y tế đã trang bị thiết bị và thực hiện thực hiện quét căn cước công dân có gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy, đến nay, có trên 228.000 lượt sử dụng căn cước công dân thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra đột xuất đã làm chuyển biến nhận thức của các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; nhất là việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, qua đó giảm số tiền nợ đóng của các doanh nghiệp. Năm 2022, tỷ lệ nợ đóng là 1,99% tổng số thu, là một trong những địa phương có tỷ lệ nợ đóng BHXH thấp trong cả nước.
Để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, các địa phương đã có nhiều cách làm hay. Tại một số huyện, thành phố, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Xuất hiện nhiều gương điển hình trong công tác tuyên truyền về chính sách, quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện; gương nhân viên thu tích cực, thường xuyên vận động người dân tham gia BHYT và BHXH tự nguyện.
|
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Ảnh: TL. |
Hệ thống tổ chức dịch vụ thu được mở rộng và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có 139 điểm thu với 451 nhân viên thu, đảm bảo các xã trên toàn tỉnh đều có các điểm thu BHXH tự nguyện, BHYT, đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh: để thực hiện đạt chỉ tiêu về BHXH, BHYT, BHTN năm 2023 theo các nghị quyết của Tỉnh ủy và của HĐND tỉnh giao với tỉ lệ bao phủ BHYT 92,5%; tỉ lệ tham gia BHXH 16% và tỉ lệ tham gia BHTN 10,85%, cần coi đây là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, không thể không hoàn thành, do vậy, năm 2023, bắt buộc phải nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao./.